Sáng 10-5, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức chương trình "Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)" gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ ý kiến của DN đối với hoạt động Công đoàn thành phố. Chương trình thu hút hơn 100 cán bộ nhân sự, đại diện ban giám đốc của 102 DN có đông lao động trên địa bàn thành phố tham dự. Các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều vấn đề thiết thân với người lao động (NLĐ) và hoạt động Công đoàn thành phố như nhà ở cho công nhân (CN), đào tạo nghề cho NLĐ; phối hợp tổ chức các chương trình chăm lo cho NLĐ…
Ưu tiên đào tạo nghề
Tại chương trình, hầu hết DN đều đánh giá cao vai trò của Công đoàn trong việc đồng hành chăm lo cho NLĐ và ổn định quan hệ lao động.
Bà Phùng Thị Minh Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (quận 6, TP HCM), cho biết hiện nay chi phí sinh hoạt tại TP HCM khá cao trong khi thu nhập của NLĐ bình quân chỉ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Với khoản tiền ít ỏi đó, họ phải trích ra từ 5-6 triệu đồng/tháng để đóng tiền thuê nhà, gửi con.
"Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nhiều CN phải rời thành phố về quê khiến nhiều DN thiếu hụt lao động. Tôi mong lãnh đạo TP HCM và tổ chức Công đoàn sẽ có thêm những chương trình hỗ trợ NLĐ căn cơ nhằm giúp họ giảm chi phí và có tích lũy. Chỉ có như vậy, họ mới bám trụ lại nhà máy" - bà Nghĩa bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Trần Thị Tuyết, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Osung Vina (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho rằng đời sống văn hóa tinh thần của lao động nhập cư còn thấp, một phần do thu nhập và điều kiện làm việc theo ca kíp. Ngoài ra, việc chăm sóc sức khỏe cho NLĐ chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là lao động nữ.
"Tôi hy vọng Công đoàn sẽ tăng cường phối hợp với các DN tổ chức thêm nhiều sân chơi và các mô hình chăm lo thiết thực cho NLĐ tại cơ sở để cải thiện đời sống cho họ" - bà Tuyết chia sẻ. Bà Tuyết bày tỏ mong muốn Công đoàn kiến nghị với các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược hỗ trợ DN đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ, giúp họ có kỹ năng làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn, từ đó có thu nhập tốt.
Tương tự, bà Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự Công ty SGS Việt Nam TNHH (quận 3, TP HCM), cũng bày tỏ mong muốn Công đoàn các cấp của thành phố hỗ trợ tạo điều kiện kết nối DN với Công đoàn tại các trường đại học để giúp hai bên có được cơ hội trao đổi thông tin, cung cấp nguồn lực tiềm năng cho công ty, về phía các trường cũng tạo được cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Cần chính sách hỗ trợ căn cơ
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ, nhất là lao động nhập cư phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc nhân sự Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), cho biết nhà ở xã hội là nhu cầu bức thiết của NLĐ. Hiện nay, CN thuê trọ 1 triệu đồng/người và khoảng 3 triệu đồng/gia đình. Khoản chi này chiếm phần lớn thu nhập của NLĐ, vì thế ước mơ có một mái ấm rất xa vời. Ông Tài cho hay qua khảo sát, có 30% - 35% NLĐ của DN có nhu cầu tiếp cận các gói nhà ở xã hội. NLĐ mong muốn có thể mua, thuê nhà ở xã hội để an cư.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng nên xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải đóng thuế thu nhập cá nhân để tạo động lực cho NLĐ. Bà Hà cho biết mỗi địa phương, vùng miền có mức sống khác nhau nên việc quy định mức thu nhập "cứng" phải đóng thuế thu nhập cá nhân như hiện nay không còn phù hợp và công bằng.
"Tôi cho rằng nên đổi cách tính theo hệ số, theo tỉ lệ lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng để khi tiền lương được điều chỉnh thì mức tính thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ được điều chỉnh theo sẽ phù hợp và sát thực tế" - bà Hà kiến nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề thuế thu nhập cá nhân, ông Lê Hoàng Hải, đại diện Công ty CP Cao su Sài Gòn - Kymdan (quận 11, TP HCM), kiến nghị nhà nước có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ đang điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc gặp phải biến cố khi họ nhận được sự hỗ trợ từ nguồn tài chính của công ty. Theo ông Hải, phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo lắm họ mới phải nhận hỗ trợ nên việc miễn thuế thu nhập là phù hợp.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của DN tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhấn mạnh tổ chức Công đoàn luôn sẵn sàng đồng hành với các DN để đem lại lợi ích tốt nhất cho đoàn viên. Với các đề xuất liên quan đến các quy định pháp luật, chính sách chăm lo cho NLĐ, LĐLĐ TP HCM sẽ tổng hợp, kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các cơ quan có liên quan để xem xét, sửa đổi.
Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Hơn 2 năm sau đại dịch COVID-19, kinh tế TP HCM từng bước phục hồi thể hiện rõ qua sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách… Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn còn rất nhiều khó khăn, đơn hàng còn thiếu, việc làm không đủ dẫn đến đời sống NLĐ gặp không ít trở ngại. Do vậy, các sở, ngành thành phố cần có sự gần gũi, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, giúp DN tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, đơn hàng, việc làm của NLĐ… để TP HCM ổn định, phát triển hoàn thành nhiệm vụ 2020 - 2025.
Với các ý kiến mà DN nêu ra tại chương trình, tôi đề nghị tổ chức Công đoàn, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm trao đổi, làm rõ các nội dung, giúp DN hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật và cùng nhau tìm ra giải pháp giúp DN vượt khó.
Bình luận (0)