xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hợp tác nội dung trên di động

Bài và ảnh: CHÁNH TRUNG

Để giành lại thị phần dịch vụ nội dung số trên di động, các nhà mạng buộc phải bắt tay với các hãng công nghệ nhằm thu hút người dùng

Nhiều nhà mạng tại Việt Nam gần đây đã tích cực tìm kiếm sự hợp tác với các CP (Content Provider - nhà cung cấp dịch vụ nội dung số) uy tín, có chất lượng trong lẫn ngoài nước nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị và tiện ích cho người dùng di động. Động thái này cho thấy các nhà mạng trong nước đã thay đổi nhận thức, định hướng cung cấp các sản phẩm nội dung số (NDS) và hứa hẹn sẽ tạo ra sản phẩm thu hút người dùng.

Tăng giá trị dịch vụ

Trước đây, dịch vụ NDS của các nhà mạng trong nước có phần “nghèo nàn”: cung cấp tin tức qua SMS, xem tỉ giá hối đoái, kết quả xổ số, tải nhạc chuông, hình nền… cho người dùng di động. Khi mạng 3G phát triển, các nhà mạng cung cấp thêm các dịch vụ: xem video, tivi, chat, truy cập internet… Các dịch vụ này đa phần ít hấp dẫn người dùng. Mặt khác, khi hợp tác với các CP trước đây thì nhà mạng không kiểm soát nội dung, “thả cửa” cho CP phát tán tin nhắn rác, xem bói toán, lô đề, tải video “hot” hay mời gọi người dùng truy cập, nhắn tin đến các tổng đài để quảng cáo sản phẩm, nghe nhạc… Từ khi các ứng dụng OTT (dịch vụ cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông), mua sắm trực tuyến, mạng xã hội, các kho ứng dụng di động… đổ bộ mạnh vào Việt Nam thì các nhà mạng bắt đầu nhận ra các dịch vụ của mình thua thiệt.

 

Dịch vụ nội dung số luôn thu hút người dùng di động
Dịch vụ nội dung số luôn thu hút người dùng di động

 

Vì vậy, gần đây các nhà mạng đã “đánh tiếng” kêu gọi sự hợp tác sâu rộng từ các CP, các hãng công nghệ di động lớn để giành lại thị trường cung cấp NDS. Các nhà mạng cho hay sẽ mở rộng hợp tác để triển khai các giải pháp công nghệ di động dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, điện toán đám mây… MobiFone và Vinaphone cho biết sẽ hợp tác phát triển các nhóm dịch vụ như: hệ thống giải pháp, dịch vụ tích hợp với thiết bị đầu cuối (M2M); thương mại điện tử di động; quảng cáo, giải trí, ứng dụng trên di động; hệ thống giải pháp, dịch vụ cho nhóm khách hàng doanh nghiệp… Theo Viettel, nhà mạng này sẽ phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng mới, game, ứng dụng cho giáo dục, sức khỏe, M2M; các dịch vụ cho doanh nghiệp, hộ gia đình… “Viettel muốn thay đổi cách thức hợp tác thay vì chỉ tập trung vào các tổ chức, công ty. Chúng tôi muốn kết nối với sự sáng tạo của hàng triệu nhà phát triển ứng dụng độc lập, không chỉ ở Việt Nam. Sản phẩm của sự hợp tác này sẽ phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách hàng” - đại diện nhà mạng Viettel nói.

Về giải pháp công nghệ cho các dịch vụ NDS di động, ông Lê Trần Nguyên, Giám đốc điện toán đám mây IBM Việt Nam, cho biết: “IBM hiện đang triển khai hệ sinh thái Bluemix, ra đời trên nền tảng SoftLayer và Hybrid Cloud. Bluemix cung cấp nền tảng cho các nhà mạng gắn kết với các nhà cung cấp dịch vụ để phát triển dịch vụ và hệ thống dữ liệu một cách tốt nhất”.

Nhiều hãng công nghệ khác như Ericsson, Huawei, ZTE… cũng đang tìm kiếm sự hợp tác với các nhà mạng để triển khai các giải pháp công nghệ tạo ra các dịch vụ NDS tiện ích.

Người dùng được lợi

Tại hội nghị với các CP và các hãng công nghệ mới đây ở TP HCM, ông Lê Nam Trà, Tổng Giám đốc MobiFone, thông tin: “MobiFone muốn hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác để tạo ra sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng mới lạ nhằm tăng doanh thu và mang lại những tiện ích nhất cho khách hàng”.

Vinaphone cho biết nhà mạng này sẽ tăng cường xây dựng nhiều dịch vụ thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe, học hành, thi cử và nông nghiệp…, những mảng mà người dùng quan tâm, gần gũi với họ. Nhà mạng này sẽ cung cấp dịch vụ đến người dùng qua tin nhắn, cổng thông tin trên web hoặc ứng dụng cài sẵn trên di động và kết nối với mạng 3G…

Các nhà mạng cũng sẽ xây dựng các ứng dụng cho smartphone, máy tính bảng phục vụ học tập và giải trí, quản lý và phát triển cá nhân; các ứng dụng hỗ trợ điều hành sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân kinh doanh. Người dùng có thể cài đặt các ứng dụng này trên di động, truy cập qua 3G để sử dụng. Ngoài ra, các nhà mạng bắt đầu triển khai, hợp tác với các trang web thương mại điện tử để cung cấp những ứng dụng, dịch vụ giúp người dùng có thể mua sắm trực tuyến và thanh toán ngay trên di động nhanh chóng, dễ dàng hơn. Theo Viettel, hiện họ đã có được sự hợp tác với các sản phẩm dịch vụ NDS di động như Isign giúp hiển thị chữ ký trên từng cuộc gọi của người dùng; dịch vụ tổng đài Alome về âm nhạc, truyện… để giới trẻ giải trí; dịch vụ Auto SMS giúp khách hàng từ chối cuộc gọi lịch sự qua tin nhắn hay dịch vụ game giải trí School Cheater cho người dùng smartphone…

Một số nhà mạng đã cung cấp giải pháp, hợp tác giúp người dùng Việt Nam có thể mua phần mềm di động từ các kho ứng dụng trực tuyến như Windows Phone Store, Google Play (một nhu cầu rất lớn hiện nay và trước đây rất khó khăn trong thanh toán).

Tiềm năng còn lớn

Theo Sách trắng CNTT-TT 2014, doanh thu từ lĩnh vực phần mềm và NDS của Việt Nam trong năm 2013 đạt 2,6 tỉ USD. Dù doanh thu có khởi sắc so với cách đây vài năm song các chuyên gia cho rằng đây vẫn chỉ là con số nhỏ so với tiềm năng thực tế và còn có thể gia tăng doanh thu. Các chuyên gia công nghệ nhận định thay đổi định hướng cung cấp dịch vụ các nhà mạng là tín hiệu tích cực cho thị trường dịch vụ NDS tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà mạng cho biết sẽ chia sẻ 80% - 90% doanh số nếu như các CP tạo ra dịch vụ khác biệt, đạt doanh thu cao, đem đến những giá trị hữu ích cho khách hàng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo