Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), cho biết năm 2013, giá trị giao dịch TMĐT Việt Nam đạt khoảng 2 tỉ USD, dự tính có thể xấp xỉ 4 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, để phát triển như mong muốn, cần liên tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thanh toán.
Tắc ở nhiều khâu
Theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2013, tỉ lệ thanh toán trực tuyến cho các đơn hàng chỉ chiếm 19% trên tổng số 72 triệu thẻ ATM được phát hành, những thanh toán còn lại chủ yếu là giao dịch bằng tiền mặt khi nhận hàng. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân tỉ lệ thanh toán thấp là do người tiêu dùng lo ngại chất lượng mua hàng, khâu thanh toán phức tạp, rủi ro trên TMĐT.
Ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng đại diện Banknet.vn tại TP HCM, cho biết: “Một nguyên nhân khác là do lượng người đăng ký sử dụng giao dịch trực tuyến tại ngân hàng rất ít. Thực tế 72 triệu thẻ ATM phát hành, chỉ 50% là có người sử dụng. Trong đó, chỉ 10% là đăng ký giao dịch trực tuyến, chiếm khoảng 3 triệu thẻ ATM”.
Theo ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn, thuộc FPT), thói quen dùng tiền mặt và muốn xem hàng rồi trả tiền của người Việt vẫn đang ở mức cao vì sợ thanh toán xong sẽ không nhận được hàng hoặc nhận hàng không đúng như mô tả. “Với các thẻ tín dụng (credit card) đủ điều kiện thanh toán online thì người mua e ngại bị đánh cắp thông tin khi thanh toán. Các giải pháp thanh toán trực tuyến hiện nay còn nhiều bước, không tiện lợi cho khách hàng, chưa kết hợp được các đơn vị như ngân hàng, đơn vị bán hàng để người mua thấy lợi ích nhằm thay đổi thói quen dùng tiền mặt” - ông Linh nói.
Giải pháp đồng bộ tạo niềm tin
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam phía Nam, cho biết những năm gần đây, người mua hàng sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử đã tăng lên nhiều nhưng vẫn còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với dùng tiền mặt. Lý do là việc đổi trả khi hàng kém chất lượng trong TMĐT tại Việt Nam không dễ dàng như các nước; người tiêu dùng mất niềm tin khi vào mua hàng, thanh toán cho một số trang bán hàng trực tuyến lừa đảo. Mặt khác, một số công ty bán hàng trực tuyến quảng bá không trung thực chất lượng hàng.
Để kích thích người mua hàng và thanh toán trực tuyến, theo ông Trần Hải Linh, các đơn vị bán hàng nên thay đổi cung cách phục vụ và giảm giá cho các giao dịch thanh toán trực tuyến. “Các cổng thanh toán cần trang bị chuẩn bảo mật PCI DSS để đơn giản hóa thao tác thanh toán giúp khách hàng thanh toán dễ dàng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện tối đa về các điều luật, thủ tục giấy phép cũng như liên kết các đơn vị trên lại với nhau để cùng chung tay phát triển TMĐT” - ông Linh kiến nghị.
Đại diện cổng thanh toán Nganluong.vn cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và bảo hộ các doanh nghiệp (DN) làm ăn uy tín, nghiêm túc trên môi trường mạng; cơ quan công an vào cuộc phối hợp chặt chẽ với DN bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ để mạnh tay truy quét các đối tượng lừa đảo, xử lý nghiêm trước pháp luật. Các DN/cá nhân bán hàng nghiêm túc, chủ động trang bị cho mình các công cụ giúp gia tăng uy tín thông qua các đơn vị/tổ chức đánh giá trung gian, qua đó giúp khách hàng yên tâm khi giao dịch.
“Để thay đổi thói quen mua hàng trực tiếp và giao dịch tiền mặt này, ngoài nỗ lực của DN cung cấp dịch vụ thì rất cần cơ quan hữu quan đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người dùng sử dụng các phương thức giao dịch mua bán trực tuyến qua trang mạng và các phương tiện di động” - ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty Peacesoft, đơn vị sở hữu chodientu.vn, nói.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng kết nối 66 đơn vị thành viên thuộc Ngân hàng Nhà nước và 463 đơn vị thành viên trực tiếp thuộc 94 tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thúc đẩy TMĐT trong nước phát triển.
Hệ thống thanh toán theo xu hướng di động
“Người tiêu dùng có xu hướng thay đổi sử dụng thiết bị từ máy tính sang di động. Ngân hàng, trung gian thanh toán và các DN bán hàng là 3 đơn vị đóng vai trò quan trọng trong thanh toán trực tuyến nên cần phải có đầu tư cải thiện hệ thống thanh toán. Nếu thanh toán trực tuyến trong TMĐT ở Việt Nam không sớm phát triển, sẽ không thể theo kịp các dịch vụ từ nước ngoài. Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các công ty trung gian thanh toán thí điểm triển khai các dịch vụ thanh toán trực tuyến mới trên thiết bị di động” - bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc hệ thống 123pay, nhận định.
Bình luận (0)