xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi nhân viên xem nơi làm việc là "chiến trường"

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Hiện tượng người lao động che giấu kiến thức, không chia sẻ thông tin dẫn đến sự thiếu gắn kết trong nội bộ, gây hại đến hiệu quả công việc

Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, việc chia sẻ thông tin hiệu quả là rất quan trọng đối với thành công của mỗi doanh nghiệp (DN). Nhưng tốc độ chuyển đổi số nhanh trong mọi ngành nghề đang khiến người lao động (NLĐ) ngày càng lo lắng về khả năng giữ việc làm và thiếu sự chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp.

Lo lắng bị thay thế

Chị Lê Thị Như Trinh vừa đi tập sự tại một ngân hàng lớn ở TP HCM nhưng không học hỏi được gì. Chị cho biết trong giờ làm, các nhân viên thường nhờ photo tài liệu, sắp xếp hóa đơn, chứng từ ở kho. Do đó, suốt 1 tháng tập sự, chị không tiếp cận được nghiệp vụ và phải xin chuyển sang ngân hàng khác để học việc.

Nhận xét về việc này, bà Nguyễn Đình Hoàng Yến, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, cho rằng những người có tư tưởng "ém" kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vì nghĩ đó là giá trị không thể thay thế. Bởi điều này đã được rèn luyện, tích lũy trong quá trình làm việc lâu dài, nếu để người khác biết được họ sẽ bị cạnh tranh.

Theo bà Yến, động lực "giấu nghề" của cá nhân còn bị kiểm soát bởi những nỗi sợ giành mất "chén cơm" và mất vị thế ở trong công việc hiện tại họ đang có. Ngoài ra, ai cũng ưu tiên nhiệm vụ của mình nên việc chia sẻ kiến thức và hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp cũng bị nhiều người "ngó lơ". "Tình trạng này dẫn đến sự thiếu gắn kết trong nội bộ nhân sự, cấp trên và cấp dưới ít tương tác sẽ gây hại đến hiệu quả công việc" - bà Yến nhận xét.

TS Hoàng Trường Giang, giảng viên Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng nỗi lo mất việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số đang làm nảy sinh hành vi che giấu kiến thức. Nhân viên cố tình "ém" thông tin, không chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp nhằm giúp bản thân trở thành thành viên không thể thiếu hoặc có giá trị hơn đối với tổ chức.

"Việc này có thể bị lan tỏa, làm tổn hại đến các mối quan hệ nơi làm việc. Khi nhân viên từ chối chia sẻ kiến thức, khả năng hợp tác sẽ bị cản trở, đổi mới sáng tạo bị đình trệ và năng suất giảm sút. Ngoài ra, còn khiến nỗ lực bị chồng chéo, lãng phí nguồn lực và bỏ lỡ cơ hội" - TS Giang phân tích. Về lâu dài, những hành vi như vậy sẽ thúc đẩy văn hóa làm việc độc hại, cản trở trao đổi cởi mở và hỗ trợ lẫn nhau - hậu quả là tỉ lệ nghỉ việc cao hơn và tinh thần nhân viên giảm sút.

Khi nhân viên xem nơi làm việc là "chiến trường"- Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần công khai, minh bạch các chính sách để người lao động an tâm

Minh bạch các chính sách

Theo TS Tony Nguyễn, giảng viên Trường ĐH RMIT Việt Nam, hành vi che giấu kiến thức không đơn thuần là kết quả của thiếu sót cá nhân mà thường bắt nguồn từ những sâu xa trong quan hệ của đội ngũ lao động thuộc một tổ chức.

Trong đó do thiếu tin tưởng, NLĐ sẽ không chia sẻ ý kiến trong các cuộc thảo luận, nếu có thành viên trong nhóm từng bị đánh cắp ý tưởng. Bên cạnh đó, nếu cảm thấy không được tổ chức trân trọng, nhân viên sẽ không chia sẻ các khách hàng tiềm năng, chiến lược để giúp cả bộ phận kinh doanh thành công. Bởi họ tin rằng thành công của bản thân quan trọng hơn hiệu suất của cả nhóm.

Văn hóa tổ chức nhấn mạnh vào cạnh tranh hơn là hợp tác sẽ làm trầm trọng hành vi che giấu kiến thức. Vì khi NLĐ xem nơi làm việc là "chiến trường", họ sẽ che giấu thông tin để duy trì lợi thế cạnh tranh của bản thân. "Ví dụ, một công ty khởi nghiệp công nghệ khuyến khích các kỹ sư phần mềm cạnh tranh để giành thưởng cao hơn thì sẽ dẫn đến văn hóa khép kín thay vì làm việc nhóm" - TS Tony Nguyễn nói.

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc nhân sự Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), thừa nhận tại DN ông cũng có NLĐ cho rằng công ty chưa trả lương tương xứng và làm việc theo kiểu "tiền nào của đó". Việc này NLĐ không sai nhưng họ khó trụ lại công ty. "Do đó, DN cần minh bạch chính sách lương, thưởng phúc lợi... để NLĐ an tâm. Ngoài ra, phải tuyên truyền cho NLĐ hiểu khó khăn không phải lâu dài. Nếu họ làm việc nghiêm túc, hết mình, DN sẽ ghi nhận" - ông Tài nhấn mạnh.

Còn bà Trần Diệu Canh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Thương mại Tân Thanh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng DN phải minh bạch để NLĐ gắn bó; cần định hướng những mục tiêu sự nghiệp lớn hơn, giúp họ hiểu rằng càng tạo ra nhiều giá trị cho DN, phần thưởng nhận lại sẽ càng xứng đáng; hỗ trợ NLĐ trau dồi, học hỏi và phát triển để trở thành nhân sự nòng cốt, mang lại nhiều giá trị cho công ty. Qua đó, họ sẽ không bao giờ bị thay thế bởi kiến thức được chia sẻ. 

Tự tách khỏi tổ chức

Bà Lê Thị Thảo Trinh, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP GoGreen House (quận 1, TP HCM), nhận xét thực tế một nhân viên sẽ không "ôm" được toàn bộ công việc, tạo ra kết quả tốt cho DN. Họ phải luôn cần cả nhóm để tác động tích cực lên kết quả vận hành và kinh doanh. "Ôm" kiến thức cho riêng mình vừa không thể hiện hết được kiến thức chuyên môn với cấp trên, vừa tách khỏi tổ chức, làm cho người khác cũng ngại ngần cùng chia sẻ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo