Điều đó phản ánh việc mỗi năm cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các DN, nhất là DN thâm dụng lao động, đều có chung nỗi lo người lao động (NLĐ) không quay lại làm việc, không tuyển đủ nhân công.
![Nhiều gia đình công nhân được tặng vé xe về quê đón Tết Nhiều gia đình công nhân được tặng vé xe về quê đón Tết](https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2025/2/11/sotay-1739280478711536224040.jpg)
Nhiều gia đình công nhân được tặng vé xe về quê đón Tết
Do vậy, đa số DN đang chọn cách chăm lo đời sống cho NLĐ, cố gắng để họ sống được bằng thu nhập. Bên cạnh đó, các khoản thưởng và phúc lợi khác sẽ giúp NLĐ gắn bó hơn với công ty. Thực tế chứng minh DN nào chăm lo tốt cho NLĐ thì họ gắn bó lâu dài, mức độ ổn định nhân sự cao. Một công nhân (CN) may mặc tên Thùy mà tôi gặp ở buổi tiễn đoàn xe về quê đón Tết Ất Tỵ vừa qua, cho biết công ty tặng vé xe khứ hồi miễn phí là món quà rất ý nghĩa.
"Ba năm qua, tôi chưa về Hà Tĩnh đón Tết, không phải vì không đủ tiền mua vé xe mà là những khoản phải chi khác vượt ngoài khả năng của tôi" - chị Thùy tâm sự. Về quê dịp này, ngoài vé xe, chị còn được LĐLĐ TP HCM tặng quà Tết nên gần như chị không tốn kém nhiều. Sau Tết, chị Thùy tranh thủ vào sớm 1 ngày và quay lại công việc trong sự chào đón của lãnh đạo công ty.
Cuối năm 2024, trong tiệc tất niên của một DN thực phẩm khá lớn ở KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM), tôi có hỏi một phó tổng giám đốc về lý do công ty năm nào cũng đưa và đón NLĐ về quê ăn Tết với nguồn chi phí lớn. Vị phó tổng giám đốc cho biết ngoài việc quan tâm đến công việc, lương, thưởng và phúc lợi cho NLĐ thì khoản chi phí bỏ ra để đưa đón CN - lao động về quê dịp Tết mang nhiều ý nghĩa, bởi ai cũng có quê hương và mong được về sum họp bên gia đình.
Do vậy, công ty tạo điều kiện tối đa để NLĐ yên tâm đón Tết đủ đầy, không phải lo về những khoản chi phí tàu, xe. "Mấy năm nay, công ty cử lãnh đạo về quê cùng CN - lao động để hiểu thêm về gia cảnh của họ. Nhờ đó, công ty chưa bao giờ phải lo lắng NLĐ sẽ rời công ty. Người dân ở quê còn tin tưởng gửi gắm con em vào làm việc, giúp DN có nguồn nhân lực rất ổn định" - vị phó tổng giám đốc nói.
Còn trưởng phòng nhân sự của một DN dệt may tại quận Bình Tân, TP HCM cho biết năm nay công ty cho NLĐ nghỉ dài hơn để có thêm thời gian bên gia đình. Trong quý I này, công ty phải tuyển thêm 200 lao động cho dây chuyền mới, nên cuối tháng 12 năm ngoái đã có chính sách NLĐ giới thiệu người thân vào làm việc sau Tết sẽ được thưởng tiền mặt.
Ngoài ra, công ty còn chủ động tìm hiểu các DN lân cận có chủ trương cắt giảm lao động để xin danh sách rồi gọi điện mời đến làm việc. Nhờ đó, công ty đã tuyển gần đủ và có thể vận hành dây chuyền mới trong tháng 3 tới.
Kể từ sau đại dịch COVID-19, không ít DN ở Đà Nẵng, Bình Dương, TP HCM đã chọn hướng tiếp cận "mang việc làm đến NLĐ". DN tích cực sử dụng mạng xã hội để tuyển dụng hoặc tổ chức các hội chợ việc làm di động đến tận các phường, xã vùng sâu, vùng xa. Tuyển được thì lo chi phí đón NLĐ đến tận công ty, hỗ trợ chỗ ở, ứng lương để NLĐ không bị áp lực tài chính.
Như vậy, thị trường lao động đang chuyển biến nhanh đòi hỏi các DN phải linh hoạt, sáng tạo, liên tục đổi mới cách làm để thu hút và giữ chân NLĐ.
Bình luận (0)