Theo nghiên cứu mới công bố trên Astronomical Journal, đứng đầu bởi NASA, hành tinh lạ mang tên WASP-79b này cách trái đất 780 năm ánh sáng và thuộc dạng "Sao Mộc nóng", tức một hành tinh khí khổng lồ nhưng có nhiệt độ "địa ngục".
Ảnh đồ họa cho thấy một hành tinh có bầu trời không có sắc xanh và những cơn mưa sắt nóng chảy - ảnh: ESO/NASA
Nó quay cực gần quanh ngôi sao mẹ loại F, nóng hơn mặt trời nhiều, mang tên WASP-79. Một năm trên hành tinh này chỉ bằng 3,66 ngày trái đất. Bầu khí quyển đầy mây của hành tinh bốc lên một nhiệt độ khủng khiếp là 1.650 độ C, đủ sức làm thủy tinh tan chảy.
Tất nhiên với nhiệt độ đó, nước lỏng không thể tồn tại trên hành tinh này. Nhưng nó vẫn… có mưa. Theo các phân tích, mây của hành tinh này tồn tại rất nhiều sắt bị bốc hơi. Sắt này cũng sẽ ngưng tụ rồi đổ xuống thành mưa sắt nóng chảy, y hệt như cách nước tuần haofn trên trái đất.
Nhưng điều đặc biệt nhất trên hành tinh này vẫn là bầu trời màu vàng khó tin của nó. Theo tiến sĩ Kristin Showalter Sotzen từ Đại học John Hopkins (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, sắc độ kỳ lạ của bầu trời WASP-79b là điều chưa từng có tiền lệ trong các mô hình vật lý trước đây.
Thông thường bầu khí quyển của một hành tinh sẽ tạo ra sự tán xạ Rayleigh, tức tán xạ các bước sóng ngắn hơn (xanh hơn) của ngôi sao mẹ. Người đứng trên hành tinh đó sẽ nhìn thấy trời xanh, giống như ở trái đất. Nhưng các nhà khoa học không tìm được bất kỳ dấu hiệu nào của tán xạ Rayleigh ở hành tinh kỳ lạ này và xác định bầu trời của nó không phải màu xanh mà là màu vàng. Nguyên nhân của điều này vẫn là một bí ẩn.
Bình luận (0)