GS Phạm Hùng Việt - Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, "cây đại thụ" trong lĩnh vực nghiên cứu vi nhựa - vinh dự là 1 trong số 13 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng. GS Phạm Hùng Việt đã có khoảng 200 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế và được cấp 7 bằng sở hữu trí tuệ độc quyền.
Năm 1975, ông tốt nghiệp chuyên ngành hóa - lý Trường ĐH Martin - Luther (Đức), rồi tiếp tục thực tập sau ĐH và lấy bằng tương đương thạc sĩ tại ĐH Kỹ thuật Liên bang Zurich (Thụy Sĩ). Năm 1982, ông được cấp học bổng của Liên bang Thụy Sĩ và quay lại làm nghiên cứu sinh. Sau khi hoàn tất chương trình học, ông trở về đóng góp cho quê hương.
"Rất nhiều nhà khoa học trẻ sau khi du học thì quyết định làm việc ở quốc gia khác bởi điều kiện kinh tế, môi trường làm việc và khả năng phát triển tốt hơn Việt Nam. Nhưng, nếu ai cũng nghĩ cho lợi ích của mình thì nền khoa học của Việt Nam sẽ giậm chân tại chỗ hoặc đi lùi" - GS Phạm Hùng Việt trăn trở.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trong hơn 50 năm nghiên cứu khoa học, ông tập trung vào mảng khoa học môi trường ở Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu thêm về y sinh, phát triển các bài thuốc dân gian và thực phẩm chức năng trên cơ sở nghiên cứu hóa thực vật của các dược liệu. "Môi trường là hơi thở của cuộc sống, nghiên cứu môi trường là nghiên cứu về cuộc sống. Với tốc độ ô nhiễm môi trường chóng mặt như hiện nay, nếu con người không thay đổi sẽ bị môi trường nhấn chìm" - GS Phạm Hùng Việt nói.
Đánh giá về nền khoa học Việt Nam, ông cho rằng khoa học đang có chuyển biến tích cực. Bằng chứng là sự góp mặt của các nhà khoa học, trường ĐH hay viện nghiên cứu của Việt Nam trên các bảng xếp hạng thế giới ngày càng nhiều. Việt Nam cũng dễ dàng kết nối với các nhà khoa học trên toàn thế giới và hợp tác đa lĩnh vực.
Với kinh nghiệm học tập và nghiên cứu khoa học ở nhiều nơi trên thế giới, GS Phạm Hùng Việt chỉ ra những nguyên nhân chính khiến khoa học nước nhà chưa đột phá là: mức độ đầu tư nghiên cứu khoa học của Việt Nam thấp, đặc biệt là đầu tư thiết bị sử dụng trong nghiên cứu; thu nhập của nhà khoa học không cao; thiếu kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học...
"Hạn chế về nguồn lực tài chính là lý do hàng đầu khiến nhà khoa học trẻ không thể tập trung nghiên cứu. Rất nhiều người có năng lực nhưng phải rời phòng nghiên cứu để tìm một công việc có mức lương ổn định hơn" - GS Phạm Hùng Việt đúc kết.
Bình luận (0)