Trong quá trình phân hủy, rác thải nhựa tạo ra những hạt vi nhựa (kích thước dưới 5 mm), những hạt vi nhựa này được tìm thấy trong thức ăn, nước uống, muối… Nếu không có giải pháp thích đáng, ô nhiễm rác thải nhựa trên sông, rạch sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Nếu người dân nào cũng có ý thức như người đàn ông trong hình thì nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa sẽ không còn đe dọa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đua nhau "đánh chiếm" sông, kênh, rạch
Đi dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm tuy được công nhân vớt rác thường xuyên nhưng khi thủy triều xuống, lượng rác thải tấp vào bờ không hề nhỏ, phần lớn là rác nhựa như vỏ chai, hộp xốp, túi ni-lông… Hơn 30 năm sống bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bà Nguyễn Thị Trang (65 tuổi, quận Tân Bình) bức xúc nói không hiểu sao mỗi ngày công nhân đều vớt rác nhưng nhiều hôm bà vẫn thấy rác đầy ở mép kênh. Chứng tỏ thói xấu xả rác ra kênh rạch của người dân vẫn còn.
Thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM - đơn vị phụ trách vệ sinh các tuyến kênh kể trên, cho thấy với khoảng 7 tấn rác được vớt lên mỗi ngày trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trong đó 20%-30% là rác thải nhựa. Tương tự, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé lượng rác thải nhựa được vớt lên mỗi ngày chiếm từ 11%-26% tổng lượng rác.
Các tuyến kênh được vệ sinh thường xuyên, liên tục lượng rác thải nhựa đã lớn vậy thì chắc chắn các tuyến kênh, rạch không được vớt rác thường xuyên sẽ có lượng rác khổng lồ hơn nhiều. Bằng chứng là kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kênh 19/5, Hy Vọng và hàng trăm kênh, rạch thoát nước lớn, nhỏ nằm rải rác khắp 24 quận, huyện đang đầy rác thải nhựa. Cụ thể, có dịp đi ngang rạch Bàu Trâu (dài khoảng 3 km, chảy từ quận Tân Phú sang quận 6), chúng tôi chứng kiến con rạch ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, nước thải, có đoạn rác ken kín trên mặt kênh, dòng nước tồn lưu bốc mùi hôi thối. Rạch A41, kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) cũng trong tình trạng kêu cứu vì rác thải nhựa. Không chỉ bị bức tử bởi lượng rác tồn lưu trong lòng rạch, dọc 2 bờ kênh, rạch chúng tôi đi qua cũng là nơi chứa đủ thứ rác thải do người dân vứt ra.
Sông Sài Gòn - một trong những con sông chính cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân TP cũng chung số phận. Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về nước khu vực châu Á (CARE - thuộc ĐH Bách khoa TP HCM), tính trung bình mỗi người dân sống ở TP HCM thải từ 350 g đến hơn 7,2 kg rác nhựa ra kênh rạch và sông mỗi năm. Kết quả nghiên cứu của CARE (công bố năm 2018) cũng cho thấy trong 1 m3 nước lấy trên sông Sài Gòn có 10 - 233 mảnh nhựa và trong 1 lít nước có 172 - 519 sợi nhựa từ các loại vải nhân tạo, vải tổng hợp… "Đây là con số khá cao cần cảnh báo ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Sài Gòn. Nếu người dân không dùng rác thải nhựa 1 lần như túi ni-lông, ống hút, hộp xốp, chai nhựa sẽ giảm được 80% - 90% rác thải nhựa cho sông Sài Gòn" - TS Emilie Strady, chuyên gia của CARE, khuyến cáo.
Công nhân Công ty Thoát nước đô thị đang thu dọn rác trên rạch Bàu Trâu với đa phần là rác thải nhựa. Ảnh: THU HỒNG
Không thể coi thường
Hạt vi nhựa có trong nước sông Sài Gòn, liệu có trong nước cấp cho người dân TP? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), cho biết SAWACO có nhận thông tin về việc nước sông Sài Gòn có hạt vi nhựa nhưng khi phân tích chất lượng nước cấp của SAWACO thì chưa phát hiện hạt vi nhựa trong nước. Khả năng do cách thức lấy mẫu của nhóm nghiên cứu tập trung ở lượng nước mặt (hạt vi nhựa nhẹ có thể nổi trên nước), còn hệ thống lấy nước thô của sông Sài Gòn cách mặt nước khoảng 4 m nên các mẫu nước có thể khác nhau.
Theo ông Trần Kim Thạch, chất lượng nước vẫn được SAWACO kiểm tra thường xuyên liên tục hằng ngày, hằng giờ thông qua hệ thống quan trắc tự động, các phòng ban chuyên môn và các cơ quan độc lập như Trung tâm Y tế dự phòng TP. Tuy nhiên, ông Thạch cũng kêu gọi để hạn chế nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa đến nguồn nước, người dân không nên xả rác ra sông Sài Gòn.
Nói về tác hại của rác thải nhựa đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, PGS-TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cảnh báo nếu rác hữu cơ phân hủy từ 7 đến 15 ngày thì những sản phẩm gắn bó với chúng ta mỗi ngày như bàn chải đánh răng, chai nước nhựa, tã lót, túi ni-lông… có thời gian phân hủy đến 500 năm.
Theo PGS-TS Lê Hùng Anh, quá trình phân hủy không làm nhựa biến mất mà chuyển thành những hạt vi nhựa. Hạt vi nhựa đi vào nước thải, ao, sông rạch, mạch nước ngầm… khi tôm cá, động vật ăn hoặc uống nguồn nước này đều có hạt vi nhựa trong cơ thể. Do đó, con người có thể nuốt những hạt vi nhựa thông qua nguồn thức ăn như muối, rau củ, tôm cá, nước uống đã nhiễm hạt vi nhựa. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo cần tìm hiểu thêm về tác hại của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người vì chúng có mặt ở khắp nơi.
Khuyến cáo thêm, GS-TSKH Lê Huy Bá nhấn mạnh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của hạt vi nhựa đến sức khỏe con người, người dân nên thay đổi dần thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, không xả rác ra môi trường…
Chỉ 12% lượng rác thải nhựa được tái chế
Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, cho biết mỗi ngày người dân TP thải ra 1.600 tấn rác thải nhựa. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 200 tấn rác thải nhựa được thu gom và tái chế mỗi ngày - tức chỉ chiếm 12,5%, số còn lại được đưa đến bãi chôn lấp.
Bình luận (0)