Lúc 9 giờ ngày 21-7, các thành viên có mặt tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và các CB-NV FPT trong tâm trạng hồi hộp theo dõi truyền hình trực tiếp phóng vệ tinh F-1 tại tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội) bắt đầu đếm ngược thời khắc vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo F-1 bay lên quỹ đạo.
Nhiệm vụ quan trọng
Lúc 9 giờ 6 phút, tên lửa HII-B mang theo tàu vận tải HTV-3 cùng vệ tinh F-1 của Việt Nam rời bệ phóng. Toàn bộ quá trình phóng diễn ra chỉ trong vòng 15 phút. Lúc 9 giờ 13 phút, độ cao tên lửa đạt 200 km. Tên lửa có khối lượng 560 tấn và tàu vận tải HTV-3 có trọng lượng 16 tấn chở 5 tấn đồ tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, trong hành lý đó có vệ tinh F-1 với trọng lượng 1 kg.
Lúc 9 giờ 21 phút, tàu HTV-3 đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy và hoạt động bằng năng lượng của chính mình. Vệ tinh F-1 chính thức bay vào vũ trụ.
Dự kiến 6 ngày sau khi phóng, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển các vệ tinh nhỏ sang module Kibo. Sau đó, đến khoảng tháng 9, các vệ tinh nhỏ sẽ được đưa vào khoang điều áp (airlock). Phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide sẽ điều khiển cánh tay robot của module Kibo nắm lấy ống phóng có chứa 5 vệ tinh đưa ra bên ngoài và thả các vệ tinh nhỏ ra khỏi trạm ISS để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đây sẽ là lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi trạm ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ.
Có mặt tại buổi truyền hình trực tiếp, GS Hugo Nguyễn, Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển), cho biết: “Tôi rất hãnh diện vì các bạn đã thành công về mặt công nghệ khi đưa được F-1 vào vũ trụ. Các kỹ sư FPT đã đi đúng hướng”.
Làm chủ bầu trời
Vũ trụ không quá xa xôi Vệ tinh nhỏ F-1 có kích thước 10 x 10 x 10 cm, nặng 1 kg, do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008 với mục tiêu là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640 x 480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Ngày 1-6-2009, lần đầu tiên nhóm FSpace mang F-1 từ phòng thí nghiệm ra ngoài trời để thử nghiệm liên lạc khoảng cách xa. Tại Hà Nội, F-1 được mang ra cầu Thăng Long (khoảng cách 7 km), sau đó tăng dần khoảng cách đến sân bay Nội Bài (20 km) và cuối cùng là lên đỉnh núi Tam Đảo (50 km).
F-1 đã phát tín hiệu, liên lạc thành công với hệ thống trung tâm. FSpace đã ra lệnh được từ xa cho F-1 chụp ảnh, đo đạc các thông số về điện áp, nhiệt độ.
Ngoài ra, khi được phóng lên vũ trụ vào ngày 21-7, F-1 còn mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ và thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người tham gia chương trình.
Đây là việc làm mang ý nghĩa biểu tượng với thông điệp: “Không gian vũ trụ không còn quá xa xôi, chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể nếu như có quyết tâm!”. |
Bình luận (0)