Các nhà đầu tư được cho là sẽ rất cẩn trọng trong việc xuống tiền đầu tư vào doanh nghiệp (DN) mới. Vì vậy, các start-up sẽ rất khó khăn trong việc thu hút vốn để phát triển dự án.
Thách thức nhiều hơn
Việt Nam đang được nhìn nhận là có hệ sinh thái khởi nghiệp nổi trội ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá Việt Nam tăng 2 bậc về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.
Việt Nam đang có khoảng 4.000 DN khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 2 DN được xem là "kỳ lân", 11 DN được định giá trên 100 triệu USD; trên 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 208 quỹ đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo…
Trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, Việt Nam đang đứng thứ 51 toàn cầu về tổng số vốn tài trợ với 120,3 triệu USD được rót năm 2024. Quý IV/2024, Việt Nam ghi nhận mức tài trợ 35,1 triệu USD, tăng mạnh 89,73% so với quý III.
Năm 2025, việc khởi nghiệp được dự báo đối mặt rất nhiều rủi ro do thị trường biến động khó lường, tác động của cuộc chiến thương mại và bất ổn chính trị ở một số nước, khu vực. Đáng chú ý, dòng vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa dồi dào trở lại.
Đầu năm 2025, báo cáo của quỹ đầu tư công nghệ VinVentures cho thấy có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Theo báo cáo, đầu tư lĩnh vực Agritech (công nghệ nông nghiệp) và Foodtech (công nghệ thực phẩm) đang dẫn đầu, kế đến là tiêu dùng, Fintech (công nghệ tài chính).
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới Đầu tư thiên thần Đông Nam Á, nhận xét xu hướng start-up công nghệ chuyển từ xây dựng nền tảng thứ 3 sang các nền tảng hỗ trợ, giúp DN có thể tự quản trị và phát triển khách hàng. Chẳng hạn, trước đây, DN muốn bán hàng thì lên Shopee, Lazada, TikTok... nên không quản trị được dữ liệu của khách hàng. Còn hiện nay, start-up công nghệ nghiên cứu tạo ra các công cụ giúp DN tự quản trị và phát triển khách hàng.
Đây là chuyển động lớn, giúp DN có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng đầu cuối. Điều đó hứa hẹn sẽ làm thay đổi toàn bộ hành vi của DN, từ bán hàng B2B2C (thông qua DN khác để tiếp cận khách hàng) sang B2C (trực tiếp tiếp cận khách hàng).
"Năm 2025 không phải là năm thuận lợi mà dự báo còn khó khăn hơn năm 2024 vì kinh tế còn nhiều khó khăn, sự bất định ngày càng lớn. Giới đầu tư đã ngồi lại với nhau và chia sẻ quan điểm cần đặc biệt cẩn trọng trong các quyết định "xuống tiền". Tinh thần chung là các nhà đầu tư sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn để phát triển DN mình đang có chứ không rót tiền vào DN mới" - bà Phi Vân cho biết.
![Một dự án đoạt nhiều giải thưởng về khởi nghiệp khi vừa đạt yếu tố “xanh” vừa có sản phẩm giá cạnh tranh.Ảnh: Ngọc Ánh Một dự án đoạt nhiều giải thưởng về khởi nghiệp khi vừa đạt yếu tố “xanh” vừa có sản phẩm giá cạnh tranh.Ảnh: Ngọc Ánh](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/16/11-img20241109082904-17397053596441430788246.jpg)
Một dự án đoạt nhiều giải thưởng về khởi nghiệp khi vừa đạt yếu tố “xanh” vừa có sản phẩm giá cạnh tranh.Ảnh: Ngọc Ánh
Huy động vốn ngoài rất khó
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc - nơi kết nối những gương mặt tiêu biểu đoạt Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng các thanh niên nông thôn xuất sắc, nhận định tình hình chung trên thế giới còn bất ổn nên nhiều người sẽ có tâm lý bảo toàn vốn, giữ tiền mặt hơn là mang đi đầu tư.
Dù vậy, với mảng nông nghiệp của Việt Nam, dư địa vẫn còn nhiều do đây là ngành ít bị ảnh hưởng bởi thương chiến. "Nông nghiệp Việt Nam có nguyên liệu phong phú, giá rẻ, nhân công lành nghề, chi phí vừa phải nên khả năng cạnh tranh cao, nhất là mảng chế biến sâu" - anh Hoàng tự tin.
Về nguồn vốn, năm nay DN cần xác định phải tự lực cánh sinh, khả năng nội tại quyết định vì huy động vốn ngoài rất khó. Anh Hoàng dẫn chứng: "Trong Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, vừa qua có 3 dự án được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ với tổng vốn 2 tỉ đồng, song mới nhận được email thông báo hoãn vô thời hạn. Nhiều tổ chức tài trợ khởi nghiệp cũng đang xem xét lại. Do vậy, các chủ dự án cần phải chú tâm, bảo đảm mục tiêu tồn tại và tiếp tục đổi mới sáng tạo để tìm ra lợi thế cạnh tranh".
Một doanh nhân chuyên đầu tư vào dự án khởi nghiệp xanh cho biết các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây như rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, cổ vũ ống hút nhựa… khiến kinh tế xanh gặp khó. Các dự án kinh tế xanh không còn thuận lợi như trước mà phải cạnh tranh trực tiếp về giá với sản phẩm công nghệ cũ. Những dự án này phải có đột phá về công nghệ để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, từ giảm ô nhiễm môi trường đến giảm chi phí sản xuất, chứ không chỉ quan tâm vấn đề "xanh".
Trong khi đó, mảng kinh doanh dịch vụ ẩm thực (F&B) dù thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Thực tế hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh F&B vẫn có lượng khách đông và liên tục mở điểm mới.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, nhận định các mô hình tập trung marketing mạng xã hội tốt đang thu hút được đông đảo khách hàng. Với các mô hình này, chủ nhà hàng không ngại đầu tư cho thương hiệu cá nhân và thương hiệu của chuỗi trên những nền tảng mạng xã hội.
Với góc độ nhà đầu tư, bà Nguyễn Phi Vân khuyến nghị start-up mới gia nhập thị trường phải thay đổi chiến lược. Nếu trước đây, start-up tập trung gọi vốn qua các vòng, tăng định giá theo từng vòng thì bây giờ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào việc gọi vốn để xây dựng nền móng và phát triển.
"Cần phải thay đổi nhận thức, phải ổn định tài chính và có mô hình hiệu quả" - bà Phi Vân lưu ý.
Bình luận (0)