Theo Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, hội nghị trực tuyến nhằm giới thiệu những lợi ích của Cổng dịch vụ công quốc gia với cộng đồng DN, tập trung vào các nhóm thủ tục hành chính đã vận hành thông suốt cùng một số tính năng đặc biệt như: thanh toán trực tuyến, gửi phản ánh kiến nghị, tra cứu thông tin quy trình, thủ tục...
Khai trương từ ngày 9-12-2019, Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và cung cấp, hỗ trợ dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân.
Tính đến ngày 11-6, đã có gần 42,5 triệu lượt truy cập, trên 164.000 tài khoản đăng ký (trong đó có 1.729 tài khoản của DN); đã tích hợp, cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 288 dịch vụ công cho DN).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp mạnh nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời chuyển đổi mạnh các giải pháp hành chính công, chính phủ điện tử. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục ngành hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tính ra, xã hội đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 18 triệu ngày công, tương đương tiết kiệm 6.300 tỉ đồng/năm.
Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử, cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các bộ, ngành sẽ kiểm tra hậu kiểm. "Từ tháng 7-2020, việc xác thực bản sao từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Người dân có thể làm thủ tục này bất cứ lúc nào mà không cần đến các cơ quan công chứng công và tư" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mang lại lợi ích rất lớn cho DN, người dân và Cổng dịch vụ công là giải pháp hữu hiệu điện tử hóa thủ tục hành chính. DN, người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả bộ, ngành địa phương; thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ về tài chính, các thủ tục liên quan... DN dễ dàng theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước...
Ông Trần Thành Trọng - Phó Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai - kể vài năm trước ông muốn xin giấy phép đầu tư sang Pháp và được một công ty tư vấn luật đưa mức phí khoảng 10.000 USD. "Lúc đó, tôi quyết định sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau vài tuần đã có giấy phép với mức phí chỉ vài trăm ngàn đồng. Ngay trong thời gian dịch Covid-19, tôi cũng làm được 2 giấy phép lái xe quốc tế trong 3 tuần từ cổng dịch vụ công với phí rất thấp, trong khi trên mạng xã hội quảng cáo mức phí 300-400 euro" - ông Trần Thành Trọng nói.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá Cổng dịch vụ công quốc gia với sự tăng nhanh các tài khoản, đặc biệt là các DN đăng ký là tín hiệu đáng mừng. DN nên đăng ký tài khoản dịch vụ công, trải nghiệm dịch vụ trực tuyến và có góp ý để từ đó Chính phủ định hình chất lượng dịch vụ. Để Cổng dịch vụ công thực sự hấp dẫn hơn đối với DN, Việt Nam cần áp dụng các công nghệ đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thông qua mô hình cụ thể. DN khai thác dữ liệu để đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Bình luận (0)