xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Amazon cũng phải "dè chừng" với hàng triệu người Việt "bán hàng online"

Theo Phương Dung (Dân trí)

Người khổng lồ như Amazon sẽ không dễ dàng gia nhập thị trường Việt Nam khi phải cạnh tranh với khoảng 1 triệu người bán hàng online tại Việt Nam.

Amazon cũng phải dè chừng với hàng triệu người Việt bán hàng online - Ảnh 1.

Hoạt động mua bán qua Facebook còn khiến nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực thương mại điện tử như Amazon muốn vào Việt Nam còn phải "dè chừng".


"Nhà nhà bán hàng, người người bán hàng”

Ngoài mức lương cố định tại chỗ làm hơn 1.000 USD mỗi tháng, chị Mai Dương (27 tuổi, là một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội) có thêm thu nhập ở ngoài gấp 2-3 lần nhờ bán hàng online.

“Tôi nhận mua hàng xách tay cho khách với mỗi sản phẩm lãi chỉ từ 30 - 50 nghìn đồng nhưng hằng tháng bán ra hàng nghìn cái cũng mang lại nguồn thu nhập khá tốt. Tất nhiên, không phải tháng nào cũng đều đặn như thế, những tháng Tết, giao mùa có thể tăng đột biến hơn các tháng còn lại trong năm”, Dương chia sẻ.

Trong khi đó, chị Hoàng Linh, quản lý cửa hàng cho một nhãn hàng thời trang nhỏ trong nước, cũng có thu nhập còn tốt hơn rất nhiều nhờ công việc “phụ” là bán hàng online. Linh thậm chí còn nhiều lần chia sẻ trên trang cá nhân khuyên mọi người nếu thích và muốn cải thiện thu nhập thì hãy nhanh chóng tham gia bán hàng trên trang cá nhân bởi "dù đang trong cảnh người người nhà nhà bán hàng online nhưng tiềm năng và cơ hội cũng còn rất lớn”.

“Ngay từ năm 18 tuổi mình đã lặn lội sang tận các chợ ở Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm nguồn hàng. Đến nay, cũng nắm được kha khá kinh nghiệm và các đầu mối “đánh hàng” lớn, chất lượng tốt. Hiện mình không chỉ bán tận tay cho khách lẻ mà còn đổ buôn cho các đầu mối bán hàng online khác. Nhiều đại lý của mình cũng là các "mẹ bỉm sữa" ở nhà trông con thôi nhưng thu nhập rất khá, trung bình cũng phải 10-20 triệu đồng mỗi tháng”, chị Linh cho biết.

Mặc dù không chính thức được xếp vào hạng mục “thương mại điện tử” nhưng trên thực tế những mô hình “mẹ bỉm sữa bán hàng online” như kể tới ở trên đang chiếm mất một phần khách hàng của lĩnh vực thương mại điện tử.

Thậm chí, tờ Nikkei của Nhật mới đây còn cho rằng, hoạt động mua bán qua Facebook còn khiến nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử như Amazon muốn vào Việt Nam phải “dè chừng”.

Nikkei bình luận: “Nhiều người Việt Nam bán hàng qua mạng xã hội kiếm được 10.000 USD mỗi tháng. Ngành thương mại phát triển nhanh tới mức Chính phủ Việt Nam đang tính tới việc đánh thuế các giao dịch như vậy”.

Alibaba hay Amazon cũng phải "dè chừng"

Hiện nay, theo thông tin từ Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Bên cạnh doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước, khiến cho thị trường này ngày càng sôi động.

Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) còn cho rằng, người khổng lồ như Amazon sẽ không dễ dàng gia nhập thị trường Việt Nam khi phải cạnh tranh với cỡ khoảng 1 triệu người bán hàng online tại Việt Nam.

“Hiện tượng này phản ánh sự không tin tưởng vào các nhà cung cấp trực tuyến ở Việt Nam, đặc biệt là khi mua những mặt hàng đắt tiền. Nhưng người mua có thể sớm tìm thấy những đánh giá tiêu cực về những người bán hàng lừa đảo trên Facebook. Đây là một hệ thống đánh giá không chính thức mà người tiêu dùng kiểm tra trước khi mua hàng”, tờ Nikkei viết.

Đồng thời cho rằng tại một quốc gia có thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt, chỉ có hơn 10% giao dịch thanh toán qua ngân hàng cũng là một trong những cản trở tới việc phát triển thương mại điện tử.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán lẻ, Savills TPHCM cho rằng bên cạnh những trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki… khi được đầu tư bài bản, đâu đó vẫn còn tồn tại các lọai hình mua sắm qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo…

"Việc "nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” này có quy mô dù nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn, quan trọng hơn, chi phí của hoạt động này không đáng kể, và những chính sách thuế vẫn chưa tác động đến đối tượng này", ông Bình cho biết.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, thương mại điện tử tại Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại như sự phát triển thiếu bền vững, người tiêu dùng còn nhiều nghi ngại ở sản phẩm, thông tin còn đơn điệu, thiếu chi tiết, thiếu sức hấp dẫn cũng như một số công cụ hỗ trợ khách hàng.

Theo nghiên cứu, khoảng trên 50% người mua sắm Việt Nam thích mua hàng ở nước ngoài do sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, bên cạnh dịch vụ, thanh toán, hậu mãi,… Ngoài ra, thói quen mua sắm đặc trưng của người Việt Nam là “thấy, sờ và… thử” nên không ít khách hàng chủ yếu dạo chơi trên mạng để khảo giá là chính.

Bên cạnh đó, những khó khăn còn tồn đọng của thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đến từ nhiều nguyên nhân. Nhiều thương hiệu có tên tuổi quy định không có chính sách bán hàng qua trang thương mại điện tử, dẫn đến sự thiếu tính đa dạng chủng loại và các thương hiệu còn lại chủ yếu vẫn là những sản phẩm nội địa. Thông thường, lợi nhuận của nhãn hiệu nội địa chỉ tầm khoảng 40-45%, trong khi đó, chi phí phải trả cho đơn vị thương mại điện tử khá cao trung bình 30%.

"Xét trên thực tế, chúng ta chứng kiến không ít thương hiệu rời bỏ cuộc chơi trong thời gian qua như Beyeu, Deca, Foodpanda… và nhiều doanh nghiệp rút lui lặng lẽ. Dù được đánh giá là màu mỡ, thế nhưng, mảnh đất này không dễ đãi ngộ bất cứ ai, và đâu đó, nhiều thương hiệu trong lĩnh vực này vẫn trong giai đoạn khó khăn để tìm chỗ đứng cho mình", ông nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo