Thời điểm này, doanh nghiệp (DN) đang bắt đầu bước vào mùa sản xuất hàng Tết, đường tăng giá sẽ tác động đến giá thành sản phẩm, đặc biệt các mặt hàng bánh kẹo, nước ngọt/nước giải khát.
Không thiếu nguồn cung nội địa
Giám đốc một DN phân phối đường cho biết ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch tuần trước, giá bán buôn tất cả các loại đường trong nước đã nhích lên khoảng 1.000 đồng/kg, ở mức trên 16.000 đồng/kg. Hiện các nhà máy đường trong nước đang vào giai đoạn “giáp hạt”, đã bán hết lượng đường trong kho; một số nhà máy khoảng tháng 10 mới hoạt động trở lại. Trong khi đó, một vài DN cũng nhân cơ hội này đã găm hàng làm giá.
“Do ảnh hưởng của hạn - mặn nên sản lượng đường trong nước giảm sút, đường lậu được kiểm soát tốt hơn, cộng với giá đường thế giới biến động sẽ khiến giá đường trong vòng một tháng tới rất lộn xộn. Đến giữa tháng 10, khi các nhà máy chạy ổn định thì giá đường mới có cơ may hạ nhiệt” - vị này dự báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết đường là mặt hàng rất nhạy cảm, liên thông với giá thế giới nên rất khó dự báo giá. Việc Bộ Công Thương vừa đấu giá thành công hạn ngạch thuế nhập khẩu 85.000 tấn đường sẽ giúp bình ổn phần nào giá đường trong nước. Tuy nhiên, khó tránh khỏi tình trạng giá đường tiếp tục leo thang theo đà tăng trên thế giới.
Cuối quý I/2016 đã xảy ra thừa đường trong kho các nhà máy sản xuất đường nhưng lại tắc ở khâu tiêu thụ do có hiện tượng găm hàng, vì vậy Bộ Công Thương đã trình Chính phủ nới rộng hạn ngạch nhập đường năm 2016 thêm 100.000 tấn. Tổng cộng năm 2016 sẽ có khoảng 285.000 tấn đường được nhập theo hạn ngạch, cộng thêm lượng đường nhập lậu từ Thái Lan... nên không thiếu nguồn cung cho nội địa.
Lo cho hàng Tết
Câu chuyện giá đường tăng trong bối cảnh cả nước bước vào vụ sản xuất hàng cuối năm, song song đó giá xăng và giá một số loại nguyên liệu sản xuất cũng bắt đầu nhích lên sẽ gây áp lực lớn lên bài toán chi phí của DN. Bên cạnh đó, sức mua chung của thị trường chưa cải thiện đáng kể, người tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” và cạnh tranh bán hàng rất gay gắt khiến DN khá e dè kế hoạch Tết.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica, cho biết giá đường chiếm khoảng 20% giá thành sản xuất bánh và 50% giá thành sản xuất kẹo. 50% lượng đường Bibica sử dụng được nhập khẩu theo hạn ngạch, 50% còn lại phải mua từ các DN trong nước với giá khoảng 16.000-17.000 đồng/kg, đắt hơn trên 2.000 đồng/kg so với năm 2015.
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất cùng tăng giá, các nhà sản xuất buộc phải đánh giá lại khả năng chịu đựng để từ đó tính toán mức giá bán cho phù hợp. “Sức mua vẫn yếu, thị trường cạnh tranh khốc liệt nên theo tôi, DN bánh kẹo bắt buộc phải xây dựng lại giá bán hàng Tết nhưng mức tăng sẽ không quá 5% vì tăng cao hơn sẽ không cạnh tranh được” - ông Hoàng nhìn nhận.
Dù vậy, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Tân Minh Quang - Bidrico, lại không quá quan ngại về những biến động trên thị trường đường thời gian qua. “Giá đường có tăng mạnh so với 1-2 năm gần đây nhưng vẫn chưa bằng 8-10 năm trước, các DN nhỏ và vừa hoàn toàn có thể chủ động được nguồn đường dùng trong sản xuất. Nguồn cung trên thị trường rất nhiều, bao gồm cả đường nhập lậu, nên không lo không có đường để mua. Vấn đề là giá đường tăng bao nhiêu là hợp lý và thị trường chấp nhận được” - ông Hiến nhận xét.
Nông dân trồng mía lãi to
Ngày 20-9, ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - cho biết hiện giá mía tại đây đang tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, mía 10 chữ đường (CCS) được nhà máy mua tại cầu cảng khoảng 1.100 đồng/kg, cao hơn những năm trước từ 200-300 đồng/kg. Với giá cao như vậy, trung bình 1 ha trồng mía, nông dân lời từ 50-60 triệu đồng. Thời điểm này, nước lũ chưa về nên nông dân có thể neo mía trên đồng giúp tăng chữ đường và trọng lượng nên giá mía bán có thể cao hơn. Ngoài ra, một số nhà máy như Long Mỹ Phát có đầu tư phân, giống cho nông dân vào đầu vụ khoảng 5 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch mía sẽ trừ lại nên nông dân được tạo điều kiện và yên tâm trồng mía.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Tự, niên vụ mía năm nay, toàn huyện xuống giống được gần 1.350 ha diện tích và được 2 nhà máy đường là Long Mỹ Phát và Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) bao tiêu toàn bộ với giá sàn 830 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, nhìn nhận năm nay do giá đường cát trong nước tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với năm rồi (vào khoảng 15.000 đồng/kg) nên nhà máy mua mía giá cao, chia sẻ lợi nhuận cho nông dân. Cụ thể, tại huyện Phụng Hiệp, mua mía 10 CCS tại cầu cảng là 1.120 đồng/kg, tại TP Vị Thanh là 1.145 đồng/kg.
“Ngày 25-9 tới, nhà máy mới bắt đầu chạy nhưng từ đầu vụ, công ty đã bao tiêu khoảng 12.000 ha diện tích mía cho nông dân tại Hậu Giang với giá 830 đồng/kg” - ông Ngoan chia sẻ.
C.Linh
Bình luận (0)