Mâu thuẫn bắt nguồn từ những câu chuyện chính trị cụ thể nhưng hậu quả cuối cùng lại đánh vào kinh tế. Trong khi Trung Quốc cấm nhập khẩu than, áp thuế bán phá giá với rượu vang của Úc thì Úc lại đang thu lợi từ tâm lý lo ngại về khả năng Trung Quốc trừng phạt đối với những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Úc khiến giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua - 160 USD/tấn trong tháng 12. Tất nhiên, Úc không tránh khỏi rơi vào tình trạng "lợi bất cập hại" nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp - Bộ Công Thương, đánh giá việc sử dụng thương mại như một công cụ trả đũa đối phương đã có tiền lệ trên thế giới và chứng minh được hiệu quả nhất định. Với Úc, đây là đòn nặng giáng vào xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung, bởi nước này phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt với mặt hàng khoáng sản, nông sản. Tuy sử dụng thương mại là công cụ phục vụ mục đích khác song đây cũng có thể coi như một dạng bảo hộ sản xuất trong nước trước làn sóng hàng nhập khẩu - xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Phương, công cụ bảo hộ nói trên mặc dù khiến người tiêu dùng tại quốc gia đưa ra biện pháp bảo hộ bị thiệt hại nhất thời nhưng về lâu dài, sẽ ảnh hưởng xấu đến đối tác xuất khẩu, nhất là những đối tác bị phụ thuộc vào một số ít thị trường cố định. "Úc có thể tìm thị trường xuất khẩu khác bên cạnh Trung Quốc song do Trung Quốc là thị trường lớn, Úc bị phụ thuộc rất nhiều nên không dễ có thị trường thay thế. Mặc dù áp đặt của Trung Quốc bị giới chuyên gia đánh giá là vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới nhưng chờ đợi tổ chức này ra tay phân xử cũng mất rất nhiều thời gian" - ông Lê Quốc Phương phân tích và cho rằng đây cũng là bài học cho Việt Nam trong định hướng xuất nhập khẩu với các đối tác lớn.
Việt Nam mặc dù đã nhận thức được việc không thể "bỏ trứng vào cùng một giỏ" từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa triển khai được hiệu quả hoạt động đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, dù đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do có giá trị với rất nhiều đối tác quan trọng. Ông Lê Quốc Phương nhận xét Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn của Việt Nam, còn Mỹ luôn là thị trường xuất siêu lớn nhất của chúng ta. Chỉ cần hai thị trường lớn này có động thái hạn chế hoạt động nhập khẩu từ Việt Nam thì hàng loạt doanh nghiệp trong nước không thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề. "Làm thế nào để cân bằng xuất nhập khẩu với những thị trường quan trọng, mở rộng thêm nhiều thị trường mới vẫn là bài toán cần tiếp tục giải quyết, bởi vì dù có hiệp định thương mại nhưng không tận dụng được thì ý nghĩa cũng bằng không" - ông Phương nói.
Các chuyên gia lưu ý đa phần hoạt động trả đũa thương mại thường bắt nguồn từ nguyên nhân liên quan đến chính trị hoặc nhằm phục vụ những mục đích phi kinh tế. Do vậy, việc chủ động đa dạng hóa thị trường, tránh nhập siêu hoặc xuất siêu quá lớn với một thị trường... không chỉ giúp doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn bạn hàng mà còn nhằm chủ động trước những tình huống quan hệ ngoại giao với các đối tác không còn như hiện nay.
Bình luận (0)