Tại dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch...
Tăng nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến
Về nguồn hình thành quỹ sẽ gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp khoảng từ 200-300 tỉ đồng, khoản thu trích từ phí thị thực nhập cảnh của du khách, khoản thu từ dịch vụ lưu trú, khoản thu từ phí tham quan và cả nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyên của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trước đó, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cũng đã được đề cập trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ ban đầu cho quỹ và hằng năm được bổ sung từ các nguồn khác nhau.
Du khách quốc tế tham quan TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho rằng hiện mỗi năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được cấp ngân sách 2 triệu USD cho hoạt động xúc tiến, quảng bá trong khi con số này ở Thái Lan khoảng 80 triệu, Malaysia 61 triệu... Chưa kể, nguồn ngân sách ít ỏi này lại bị "san sẻ" về nhiều đầu mối từ bộ, tổng cục, hiệp hội du lịch đến các địa phương... càng khiến hoạt động xúc tiến quảng bá bị rời rạc. Kết quả là hoạt động quảng bá của ngành du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế thường thiếu đồng bộ, thiếu sản phẩm đặc trưng và chưa tạo được bản sắc, thương hiệu riêng. Nếu Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập và có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp (DN) sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, nhận xét lúc này, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết trong điều kiện quốc gia chưa có một chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về ngân sách cho quảng bá, xúc tiến, đào tạo và huấn luyện nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Việc thành lập quỹ sẽ giúp triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho ngành du lịch có bước phát triển đột phá hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhìn nhận việc hình thành quỹ sẽ góp phần tích cực giải quyết khó khăn hiện nay của ngành du lịch trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Quỹ sẽ huy động phần đóng góp của các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn kinh phí từ xã hội hóa, ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động du lịch chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Sẵn sàng đóng góp
Nhiều ý kiến cho rằng để quỹ hoạt động hiệu quả cần quy định cụ thể nguồn thu, chủ thể quản lý, cơ chế, nguyên tắc hoạt động nhằm tránh tình trạng phát sinh nhiều loại quỹ. Một số DN cho biết sẵn sàng đóng góp vào quỹ nếu cảm thấy hoạt động quảng bá, xúc tiến đem lại hiệu quả. Cơ chế hoạt động, chi tiêu của quỹ cũng cần rõ ràng, hiệu quả và phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Nếu quỹ không có từng mục tiêu cụ thể thì nguồn tiền có lớn bao nhiêu cũng không hiệu quả, dẫn đến sự lãng phí công sức của DN, du khách và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc truyền thông và tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng cần làm rõ việc DN đóng góp vào quỹ sẽ thông qua hình thức tự nguyện, thông qua các hiệp hội du lịch hay bắt buộc qua thu ngân sách? Nguồn thu hình thành quỹ của hiệp hội và nguồn quỹ hình thành từ chi ngân sách nhà nước là 2 nguồn được quy định bởi 2 luật riêng, nếu nay đưa vào Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch làm sao kết hợp để hiệu quả? "Chưa kể mỗi năm, ngành du lịch Việt Nam cần ngân sách xúc tiến, quảng bá bao nhiêu để có hiệu quả cũng là vấn đề DN quan tâm. Nếu cơ quan quản lý làm rõ những vấn đề này, DN sẵn sàng đóng góp vào quỹ" - bà Hương nói.
Trong khi đó, ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Công ty Luxury Travel, cho biết hiện mỗi lần tham gia hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài cùng với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các DN cũng đã đóng góp kinh phí. Chẳng hạn, để tham gia hội chợ du lịch ITE Berlin (Đức), DN Việt Nam đóng khoảng 2.500 euro thì DN du lịch các nước như Malaysia, Indonesia... chỉ đóng khoảng 800 euro mà họ vẫn quảng bá hiệu quả. "Nay nếu các DN vừa và nhỏ tiếp tục đóng góp sẽ khiến chi phí của họ tăng lên nên cần cân nhắc. Quan trọng nhất là nếu DN thấy được hiệu quả, lợi ích đem lại nhiều hơn, họ sẽ sẵn sàng đóng góp" - ông Phạm Hà nói.
Ngoài ra, một số DN cũng chia sẻ băn khoăn là liệu mức đóng góp của các DN có ảnh hưởng, chi phối lợi ích đem lại? Chẳng hạn, những DN lớn có nguồn lực tài chính mạnh có thể đóng góp nhiều hơn vào quỹ, khi đó liệu có ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ, quảng bá, xúc tiến sẽ đem lại hiệu quả cho cả ngành du lịch hay một vài DN?
Cân nhắc thu phí từ khách quốc tế
Trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có đề cập nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hình thành từ khoản thu từ khách du lịch. Hiện một vài nước trong khu vực đã áp dụng mức thu 1 USD/khách quốc tế. Hiện mỗi năm, Việt Nam đón 8-9 triệu lượt khách, khi một khách nhập cảnh vào Việt Nam thu 1 USD (có thể lấy từ lệ phí thị thực), nghĩa là sẽ có 8-9 triệu USD để duy trì quỹ. Việc làm này là khách quan, phù hợp với xu hướng chung của thế giới mà nhiều quốc gia khác đã thực hiện có hiệu quả.
"Nhưng cũng nên cân nhắc bởi với nguồn thu từ khách du lịch, nhất là khách đi theo tour, sẽ tăng áp lực cho DN lữ hành trong việc báo giá, chi phí. Nếu khách đi du lịch tự do, đâu sẽ là đầu mối để quản lý và thu nguồn thu này, thu từ sân bay, khách sạn hay địa phương? Cơ quan quản lý có thể nghiên cứu hướng điều chỉnh bằng thuế hoặc phí để tạo nên sự công bằng và không có sự phân biệt đối xử quá rõ giữa các loại hình kinh doanh khác nhau" - bà Trần Thị Bảo Thu đề xuất.
Bình luận (0)