Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, về nội dung này.
Năm 2014-2015, thị trường đón nhận nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn trong lĩnh vực bán lẻ: Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua Metro Cash& Carry Việt Nam, Vingroup mua Vinatex, Maximark, Aeon (Nhật Bản) mua một phần Citimart và mới đây nhất là thông tin Tập đoàn Casino (Pháp) công bố bán hệ thống Big C Việt Nam. Ông nhận định thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam sau những vụ M&A này?
- Ông Diệp Dũng:
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển mình hội nhập mạnh mẽ hơn bao giờ hết và cần có những nhân tố mới mang tính quy mô, tính liên kết nhiều hơn. Từ năm 2016, nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia có hiệu lực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo môi trường kinh doanh mở rộng với nhiều thách thức lẫn cơ hội.
Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ buộc phải hoặc cùng liên kết tạo mạng lưới chung hoặc phải tự tạo lập mạng lưới quy mô lớn độc lập để tránh “cá lớn nuốt cá bé” và tạo thế cạnh tranh. Xu hướng M&A là tất yếu và là bước chuẩn bị cần thiết để DN bán lẻ hội nhập sâu rộng. Vấn đề tôi quan tâm nhất là mặc dù M&A là tất yếu để DN bán lẻ tồn tại và phát triển nhưng Saigon Co.op hầu như không được chủ động cuộc chơi này.
Saigon Co.op là đơn vị kinh tế HTX, chúng tôi nghiêm túc tuân thủ các quy định của mô hình HTX. Tuy nhiên, với những quy định hiện hành, chúng tôi khó huy động vốn để đầu tư mở rộng hệ thống, phát triển điểm bán nhanh và mạnh như nhà đầu tư nước ngoài. Cũng vì những hạn chế về luật và thủ tục quản lý nhà nước, Saigon Co.op không thể chủ động tham gia M&A để tăng năng lực cạnh tranh.
Điển hình là thương vụ M&A của Big C Thái Lan, tổng thời gian từ lúc công ty mẹ công bố thông tin đến khi hệ thống này được bán chưa đến 1 tháng và đơn vị mua lại Big C Thái Lan chỉ cần khoảng 10 ngày để quyết định mua. Trong khi đó, chưa nói đến vốn, thủ tục đầu tư ra ngoài của một đơn vị kinh tế HTX như Saigon Co.op không cho phép chúng tôi quyết định và hành động nhanh như vậy được.
Vướng mắc như vậy, ông có cho rằng cạnh tranh đang tạo áp lực quá sức đối với các nhà bán lẻ nội địa?
- Các nhà bán lẻ nước ngoài vừa có tiềm lực về tài chính, nguồn hàng vừa có kinh nghiệm quản lý. Cuộc cạnh tranh này thật sự rất khó khăn đối với DN bán lẻ Việt Nam. Bản thân Saigon Co.op đánh giá rằng đây là một trong những thách thức lớn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tạo áp lực lớn đến vai trò định hướng tiêu dùng, ưu tiên hàng Việt của HTX trong thời gian tới. Saigon Co.op ý thức rất rõ những khó khăn của mình, từ đó càng quyết tâm hoàn thành tốt vai trò dẫn dắt thị trường bán lẻ trong nước. Càng khó khăn, chúng tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, phục vụ khách hàng tốt hơn và đặc biệt là không vì lợi nhuận mà đi ngược lại với niềm tin của khách hàng.
Những lợi thế đó có giúp Saigon Co.op chủ động hơn trong cuộc cạnh tranh sắp tới?
- Chúng tôi đã có 15 năm cọ xát, vừa cạnh tranh vừa học hỏi ngay chính các đối thủ của mình. Suốt thời gian đó, chúng tôi luôn phát huy tinh thần phục vụ tận tâm, thái độ chuyên nghiệp và thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu, thói quen mua sắm, từ đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, mạng lưới rộng khắp cả nước và một lượng lớn khách hàng trung thành; mối liên kết chặt chẽ với những đơn vị cung cấp hàng hóa uy tín là những thế mạnh của Saigon Co.op. Đặc biệt, đội ngũ trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước với tâm huyết phục vụ lợi ích cộng đồng cũng là điểm cộng lớn giúp Saigon Co.op vững tin hội nhập với tâm thế chủ động.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)