Theo anh Tuấn, Sông Hương Foods trước đây chỉ bán hàng nội địa. Thỉnh thoảng, hàng hóa của công ty được xách tay ra nước ngoài hoặc gia công xuất khẩu cho đối tác, chưa từng được xuất khẩu chính thức. Khi là ông chủ mới của Sông Hương Foods, anh đã nỗ lực hết sức để xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản.
"Nói thật là lô này lỗ vì chi phí xuất khẩu quá cao. Nhưng doanh nghiệp tôi lãi nhiều thứ, đó là hàng hóa được các hệ thống bán lẻ trong nước chấp nhận dễ hơn" - anh Tuấn nhìn nhận.
Chế biến đặc sản gia truyền tại Sông Hương Foods. Ảnh: NGỌC ÁNH
Anh Tuấn cho rằng nói đến mắm thì nhiều người thích nhưng lo ngại mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, khi sản phẩm qua được hệ thống kiểm soát của Nhật Bản thì người tiêu dùng, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước, rất an tâm.
Tiếp đến, doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu qua Mỹ. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi Việt kiều đông, khả năng chi trả tốt. Sông Hương Foods truyền thông đây là sản phẩm đặc sản gia truyền được bán khắp Việt Nam, được xuất khẩu sang Nhật để tạo niềm tin cho Việt kiều Mỹ.
"Bí kíp bán hàng là lấy thị trường này làm bảo chứng cho thị trường kia, tăng niềm tin cho khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, dù kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn đang tăng trưởng cao, 70% doanh số đến từ xuất khẩu" - ông chủ Sông Hương Foods tiết lộ.
Anh Tuấn cho rằng khi xuất khẩu thì đương nhiên phải tuân thủ các quy định về hồ sơ thủ tục, các xét nghiệm của nước nhập khẩu nhưng quan trọng hơn là phải biết khách truyền thông quảng bá để bán được hàng. Những câu chuyện, những chi tiết cụ thể rất dễ thu hút khách hàng, nhất là giai đoạn mạng xã hội phát triển như ngày nay.
Hiện tại, Sông Hương Foods chuẩn bị xây dựng nhà máy mới để tăng công suất, bắt đầu cho giai đoạn phát triển mới, đưa đặc sản Việt vươn xa ra thế giới.
Bình luận (0)