Dù có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng khu vực các doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Chuyển giá ngày càng phức tạp
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào ngân sách nhà nước còn thấp, kèm theo đó là các DN FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế. Thống kê những năm qua cho thấy cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm. Chuyển giá là hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường và về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp.
Heineken Việt Nam bị truy thu, phạt thuế 916 tỉ đồng khiến dư luận bức xúc về sự không minh bạch của một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt NamẢnh: Tấn Thạnh
Đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những DN lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Tại Việt Nam, để đấu tranh với vấn nạn này hiệu quả, còn nhiều thách thức và rất nhiều việc phải làm. Hành vi chuyển giá của một số DN FDI để lại các hậu quả xấu trong hoạt động của khu vực FDI, như làm thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép lên các DN tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.
Có rất nhiều cách thức chuyển giá được các DN sử dụng, rất phức tạp và tinh vi không dễ nhận biết. Các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế chống chuyển giá ở Việt Nam thời gian qua cho thấy cách thức phổ biến nhất là nâng giá thiết bị máy móc, hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn; đồng thời, hạ thấp giá xuất khẩu đầu ra để có kết quả tài chính lỗ nhằm không phải chịu thuế thu nhập DN tại Việt Nam. Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt định mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Ngoài ra, còn có tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận DN FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập DN và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập DN. Số liệu về tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của DN FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao. Thậm chí, chuyển giá giữa các DN FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập DN khác nhau.
Không thu hút đầu tư bằng mọi giá
So với các nước phát triển trên thế giới, công tác chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân là hệ thống pháp lý liên quan đến chống chuyển giá vẫn còn rất thiếu và nhiều lỗ hổng. Ngoài các lỗ hổng của quy định pháp luật, năng lực xử lý, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế còn nhẹ, chưa đủ sức ngăn ngừa và răn đe.
Điển hình là những quy định cho phép DN bỏ bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra trong việc khai và hạch toán doanh thu, chi phí; chính sách hoàn thuế trước, kiểm tra sau cũng thường bị DN lợi dụng để gian lận. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng và dàn trải, từ ưu đãi ngành nghề, ưu đãi theo vùng, trong đó chủ yếu là ưu đãi về tài chính dưới dạng miễn giảm thuế, ưu đãi về tài chính đất đai cũng là kẽ hở. Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh ngầm giữa các địa phương thông qua ban hành nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi nhằm thu hút vốn FDI dẫn đến các nhà đầu tư có thể lựa chọn địa bàn có chính sách ưu đãi tốt nhất để đầu tư.
Trong khi đó, cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động đầu tư của các DN FDI còn nhiều tồn tại, đặc biệt kiểm soát đối với các DN FDI thường xuyên lỗ, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế. Cơ sở dữ liệu đồng bộ, cơ sở dữ liệu liên thông giữa các ngành về FDI để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN FDI còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều đó gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc phát hiện các hành vi chuyển giá của các DN.
Thay vì nhượng bộ và dành quá nhiều ưu đãi thuế, đã đến lúc Việt Nam cần khẳng định lại vị thế của mình, không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá. Các DN FDI đầu tư vào Việt Nam nhờ tận dụng các lợi thế kinh doanh để có lợi nhuận phải có trách nhiệm nộp thuế cho Việt Nam. Cần xem đây là nguyên tắc mới trong thu hút đầu tư ở Việt Nam ở cả tầm quốc gia lẫn địa phương.
Về nội dung liên quan đến chống chuyển giá trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi), cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng này cần tập trung thực hiện hiệu quả vào một số giải pháp như hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; kiện toàn bộ máy, mới đây Tổng cục Thuế chính thức thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp định giá (APA - cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá). Cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng. Đồng thời, cần có cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hóa giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao.
Chính phủ nên cân nhắc trích một phần nguồn truy thu thuế được phát hiện từ chính các hành vi chuyển giá để bổ sung nguồn kinh phí cho công tác chống chuyển giá. Cuối cùng, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-1
Heineken "chưa đồng thuận" với quyết định truy thu thuế
Người phát ngôn của Heineken châu Á - Thái Bình Dương (Heineken APAC) cho biết nhà sản xuất bia này đã nộp đầy đủ khoản thuế 916 tỉ đồng liên quan đến giao dịch chuyển nhượng vốn của Heineken Hà Nội theo yêu cầu của Tổng cục Thuế ngay sau khi cơ quan thuế Việt Nam đưa ra đánh giá và quyết định. Tuy nhiên, Heineken APAC cũng bày tỏ chưa đồng thuận với cơ sở đánh giá được đưa ra. Vì vậy, DN đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa hai chính phủ Việt Nam - Singapore để làm rõ quyết định của Tổng cục Thuế.
Lý do khiến Heineken muốn làm rõ quyết định của cơ quan thuế Việt Nam là bởi sau giao dịch chuyển nhượng trị giá 4.800 tỉ đồng của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp thay công ty mẹ khoản thuế hơn 823 tỉ đồng. Tuy nhiên, Heineken APAC sau đó có văn bản gửi Cục Thuế TP Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa hai chính phủ Việt Nam - Singapore.
Trong khi đó, Tổng cục Thuế cho rằng hiệp định nêu trên cùng với Bộ Luật Dân sự có quy định trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50%, nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức là Việt Nam). Ph.Nhung
Bình luận (0)