Chiều 11-12, tại TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP HCM năm 2021.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP HCM năm 2021.
Dự hội nghị có lãnh đạo UBND 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái; bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM; ông Phạm Văn Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL); ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; lãnh đạo các sở Du lịch, sở VH-TT-DL cùng 60 đại biểu là các doanh nghiệp (DN) lữ hành tham gia chương trình khảo sát du lịch vùng Tây Bắc mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - phát biểu
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho biết những kết quả đạt được cho thấy sáng kiến liên kết giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP HCM là bước đi đúng đắn, đang được phối hợp chặt chẽ, ngày càng hiệu quả. Hội nghị lần này cũng là dịp để đánh giá những mặt làm được, chưa làm được để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn trong năm 2022.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang, phát biểu tại hội nghị
Trình bày báo cáo kết quả triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP HCM năm 2021, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang, cho biết trong năm 2021, mặc dù lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh, tuy nhiên các tỉnh, thành phố vẫn đón được trên 22 triệu lượt khách du lịch, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch ngành, địa phương đề ra.
Năm 2021 trên cơ sở tiềm năng phát triển du lịch địa phương, các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết đã lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng mới để giới thiệu cho các DN du lịch dựa vào chương trình liên kết hợp tác.
Đã tổ chức thành công chương trình khảo sát sản phẩm tour liên kết từ TP HCM tới vùng Tây Bắc và tỉnh Hà Giang cho 60 đơn vị lữ hành và cơ quan truyền thông với các chuyên đề: "Về miền đất tổ cội nguồn dân tộc" với lộ trình: TP HCM - Hà Nội - Phú Thọ - Lai Châu - Sa Pa, Bảo Yên (Lào Cai) - Quang Bình, Đồng Văn (Hà Giang); hay "Bản hùng ca Tây Bắc" có lộ trình: TP HCM - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Giang; " Hương sắc vùng cao" với lộ trình: TP HCM - Hà Nội - Bắc Hà - Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang).
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở du lịch TP HCM, phát biểu tại hội nghị
Đề xuất phương thức hợp tác giữa TP HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, kiến nghị cần tập trung chuyển đổi số, đẩy mạnh nâng cao ứng dụng công nghệ vào các hoạt động du lịch. Thời gian qua, ngành du lịch TP HCM đã xác định ứng dụng công nghệ số là 1 trong 5 mục tiêu để phục hồi phát triển du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Cụ thể, Sở Du lịch đã công bố Bộ tài nguyên du lịch TP HCM trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth. Công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch TP.HCM www.visithcmc.vn. Ký kết thỏa thuận hợp tác với Traveloka Việt Nam và Shopee Việt Nam triển khai sàn thương mại điện tử về du lịch nhằm hỗ trợ các DN xây dựng gian hàng ảo, giới thiệu quảng bá sản phẩm dịch vụ và tiếp cận người dùng; đào tạo hướng dẫn các DN tăng cường chuyển đổi số và gia tăng tương tác với người dùng trên nền tảng online. Gần đây nhất là tổ chức sự kiện Ngày hội Du lịch trên nền tảng công nghệ 2D và 3D.
"TP HCM sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với các địa phương vùng Tây Bắc mở rộng để cùng nhau quảng bá du lịch"- bà Hoa nói.
Bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM - phát biểu
Thay mặt lãnh đạo UBND TP HCM phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP HCM - cho biết để vực dậy sự phát triển của du lịch, góp phần khôi phục kinh tế, TP HCM mạnh dạn chỉ đạo các sở, ngành xây dựng và triển khai các kế hoạch để góp phần khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch là một trong những hoạt động khởi đầu.
"Chúng tôi luôn bám sát một nguyên tắc xuyên suốt trong kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch thích ứng với điều kiện an toàn dịch bệnh Covid-19 là "An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn"- bà Thắng nói.
Cũng tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương cần mở rộng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành du lịch các địa phương khai thác nguồn khách 2 chiều theo hình thức khép kín trong thời gian sớm nhất có thể để góp phần phát triển du lịch nội địa, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương (về tiêu chí khách, quy trình xử lý F0,…); triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến và truyền thông điểm đến TP HCM và Tây Bắc, khai thác tiềm năng du lịch của mỗi địa phương.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty CP du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), đề nghị cần cơ chế linh hoạt về chính sách phục hồi phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh Tây Bắc mở rộng, trong đó các tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng cần có kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể hơn; cần ban hành kế hoạch thống nhất chung phối hợp giữa các tỉnh việc di chuyển liên tỉnh, qui định về điều kiện kiểm soát dịch, tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch.
Các địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy triển khai lại hệ thống cung ứng dịch vụ để phục vụ khách du lịch vì hệ thống cung ứng dịch vụ là một cấu thành quan trọng trong quá trình thực hiện tour cũng như của ngành du lịch.
Bình luận (0)