Sáng nay (29-4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với doanh nghiệp (DN) về chủ trương của Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Từ loạt bài “Đừng để DN đơn độc”, Báo Người Lao Động ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế, những nhà quản lý nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, giảm thủ tục và chi phí cho DN.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp:
Phải giảm thuế, phí thực chất
Chính phủ đang xây dựng một nghị quyết mới về đơn giản thủ tục kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư cho DN. Theo tôi, quan trọng nhất là phải giảm chi phí cho DN. Những chi phí nào nhà nước kiểm soát được thì phải giảm cho DN bởi cả rừng luật lệ, quy định của các tầng lớp khác nhau đè lên chi phí tuân thủ: không chỉ là tiền, thời gian mà còn là rủi ro rất lớn. Như câu chuyện ông chủ quán Xin Chào ở huyện Bình Chánh bị khởi tố, dù đây là vấn đề rất nhẹ nhàng, ngay cả phạt hành chính cũng không đáng.
Nói đến cải cách kinh tế là phải nói đến cải cách DN nhà nước, đưa vai trò của khu vực DN tư nhân lên thành động lực phát triển. Không có lý do gì huy động thuế, phí chiếm tới 48% chi phí hoạt động của DN hoặc vi phạm tới quá nhiều quyền tài sản của DN, phí bôi trơn quá cao… Mấy năm nay, chúng ta hô hào cải cách nhưng thuế, phí bôi trơn vẫn tăng. Vì vậy, trong nghị quyết mới cần làm rõ sẽ giảm những chi phí nào? Nói số giờ nộp thuế giảm nhưng thực chất chi phí cho công đoạn này của DN có giảm hay không? Chẳng hạn, Bộ Tài chính nói giảm thời gian nộp thuế cho DN được 350 giờ, ai kiểm soát trong khi chi phí về thuế, phí của DN vẫn tăng?
Trong khi đó, chừng nào khu vực DN nhà nước vẫn lớn như hiện nay thì bao nhiêu ưu đãi sẽ vẫn nghiêng về khối này rồi cả các nguồn lực, cơ hội của khu vực tư nhân. Giảm bớt DN nhà nước cũng sẽ bớt gánh nặng ngân sách, nợ nần và cũng đỡ lo là cái gì cũng “đè” DN ra thu thêm.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Nhà nước phải làm bệ đỡ cho doanh nghiệp
Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ về công nghệ, hệ sinh thái về thúc đẩy sáng tạo, công nghệ mới rồi những biện pháp cải cách hệ thống dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có lẽ, chất lượng nguồn nhân lực đang là điểm yếu cốt tử của DN và nền kinh tế, góp phần làm năng suất không cao. Bài toán giảm chi phí từ thủ tục hành chính, chi phí vốn, tiền lương, vận tải… cần có giải pháp giảm mạnh, tạo bệ đỡ cho DN vươn lên. Các biện pháp xúc tiến thương mại đầu tư cũng phải được đẩy mạnh hơn trong thế liên kết của các hiệp hội.
Một trong những điểm yếu của nền kinh tế hiện nay là DN Việt chưa đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để tham gia chuỗi giá trị của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, nhà nước phải tạo ra hệ sinh thái, chuỗi các chính sách hỗ trợ về vốn, chính sách thúc đẩy nâng cao năng lực quản trị của các DN. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng giảm tối đa thủ tục hành chính để giảm thời gian, tiền bạc cho DN. Chính phủ nên tập trung làm thể chế, chính sách theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP HCM:
Nên nhường sân cho doanh nghiệp tư nhân
Gần đây, có nhiều ý kiến hô hào tăng số lượng DN tư nhân nhưng theo tôi, tăng DN tư nhân không giải quyết được vấn đề. Muốn DN tư nhân phát triển thì DN nhà nước phải thoái lui, nhường sân cho DN tư nhân. Hội nhập tạo sức ép thay đổi thể chế, thay đổi quan điểm về DN tư nhân và về môi trường. Nhà nước cần bắt tay vào những việc rất cụ thể, cải thiện môi trường kinh doanh, làm mọi cách cho DN “thở” được. Vụ chủ quán Xin Chào kết thúc có hậu nhưng cho thấy với môi trường kinh doanh hiện nay, DN có nguy cơ rơi vào vòng lao lý bất cứ lúc nào.
Ngay cả việc hỗ trợ DN hội nhập, tăng sức cạnh tranh cũng cần làm khác. Đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ DN nhưng cách tổ chức chưa hợp lý, thiếu sự gắn kết với nhau, tính hiệu quả chưa cao nên DN vẫn cảm thấy thiếu.
Trung tâm WTO đang chia nhỏ các chủ đề về TPP theo ngành, theo thị trường cho sát với nhu cầu và cung cấp được nhiều thông tin cụ thể hơn cho DN. Vừa rồi, trung tâm cũng phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP xây dựng, triển khai chương trình đào tạo lao động cho DN ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ. Đây là chương trình hỗ trợ DN đầu tiên tại TP giao về hội ngành nghề triển khai, đi sâu vào nhu cầu thực tiễn của DN nên mang lại hiệu quả tốt và sắp tới sẽ nhân rộng ra các hội ngành nghề khác.
TS CAO SỸ KIÊM, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam:
Đừng chỉ hô hào
Năm 2016, chúng ta lấy chủ đề vực dậy DN tư nhân, ưu tiên cho DN nhỏ và vừa nhưng nếu chỉ hô hào thì không bao giờ có cơ hội. Chúng ta đã sửa đổi luật theo tinh thần bảo vệ quyền dân chủ, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh những gì nhà nước không cấm, khuyến khích tự do kinh doanh… thì phải thi hành triệt để, không bị rào cản. Nếu chỉ thông cấp trên mà cấp dưới không phối hợp chặt chẽ, làm khó DN thì không được.
Bên cạnh đó, phải trang bị công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và sát với yêu cầu thế giới đòi hỏi; rồi đội ngũ nhân sự chất lượng, được đào tạo tay nghề, có năng suất cao… Đây là những vấn đề tối thiểu phải được đồng bộ tháo gỡ triệt để và mỗi ngành, mỗi cơ sở, mỗi địa phương tìm ra khiếm khuyết của mình để giải quyết. Thực tế, những vấn đề này không mới và cũng không khó nhưng phải có tư duy mới, thực hiện nghiêm túc thì sẽ làm được. Sự lớn mạnh của quốc gia bắt nguồn từ sự lớn mạnh của DN nhưng bản thân DN cũng phải tự nhìn thấy khó khăn rồi giải quyết dứt khoát, chớp được thời cơ thì mới thắng lợi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-4
Bình luận (0)