Cần xem xét cấm xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia khi đã trúng thầu. Đó là quan điểm của Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 16-4.
Ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng việc các doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng khiến kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 gặp khó khăn. Trong khi đó, theo quy định xử lý hiện hành, doanh nghiệp chỉ mất từ 1-3% tiền bảo lãnh dự thầu tùy theo quy mô gói thầu. "Còn biện pháp mạnh tay hơn nữa là có thể không cho dự thầu ở lần đấu thầu tiếp theo"- ông Thủy nói và cho rằng các biện pháp này không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng cần xem xét cấm xuất khẩu đối với doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cấp gạo dự trữ dù đã trúng thầu
Đối với các doanh nghiệp đã trúng thầu cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không ký hợp đồng, nhưng lại đăng ký xuất khẩu hàng ngàn tấn gạo, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh điều này cho thấy bản thân doanh nghiệp đã lấy lợi nhuận lên trên hết, không phải lấy việc định vị văn hoá, trách nhiệm phục vụ cộng đồng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp làm tiêu chuẩn.
Vị chuyên gia cho rằng cần có danh sách các doanh nghiệp này để công khai, sàng lọc để xem xét xuất khẩu gạo. Đối với những doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng cấp gạo dự trữ, ông Hoàng Trọng Thủy kiến nghị cần cấm xuất gạo, coi đây là một biện pháp "trừng phạt".
Các doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng có thể kể đến Công ty TNHH Phát Tài, dù trúng thầu 17.940 tấn nhưng đã từ chối ký hợp đồng với Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp này đã mở 5 tờ khai xuất khẩu gạo với hơn 13.000 tấn. Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cũng trúng thầu 4.500 tấn cấp gạo dự trữ nhưng cũng không ký hợp đồng, mà đăng ký xuất khẩu gần 7.200 tấn gạo.
Công ty cổ phần Mỹ Tường cũng lọt danh sách đăng ký xuất khẩu gạo hơn 10.600 tấn, nhưng đã từ chối ký hợp đồng dù đã trúng gói thầu 900 tấn gạo tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nguyên.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho rằng việc doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cấp gạo dự trữ làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia. Dù vậy, ông Âu Anh Tuấn cho biết hiện nay chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu.
Bình luận (0)