Theo ông Sơn, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những tiêu chí cơ bản về tem truy xuất nguồn gốc vì cách làm hiện nay chưa được người tiêu dùng tin tưởng do “loạn thông tin”. Điều này giải thích vì sao nhà phân phối phải sắm xe kiểm tra nhanh trực tiếp tại nhà vườn để loại sản phẩm không đạt ngay tại gốc và chủ động tìm nguồn thay thế.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ Truy xuất nguồn gốc (Traceverified), việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà các nhà sản xuất thực phẩm đang làm cao hơn những quy định pháp lý về vấn đề này nên rất cần được khuyến khích. Do đó, bà đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP sớm ban hành văn bản quy định về vấn đề này, có thể là văn bản tạm thời để các đơn vị thực hiện. Bà Minh cho biết ngoài 2 HTX rau củ quả tại TP HCM được hỗ trợ thực hiện truy
xuất nguồn gốc, hiện có gần 30 doanh nghiệp làm rau, gạo, nước mắm, trái cây… đã chủ động thực hiện để quản lý nguồn thực phẩm tốt hơn và tạo niềm tin cho khách hàng.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, lý giải nguyên nhân của việc chưa chuẩn hóa thông tin trên tem truy xuất nguồn gốc là do thời điểm thực hiện người tiêu dùng bị “khủng hoảng niềm tin” nên các đơn vị chỉ biết cố gắng đưa ra nhiều thông tin nhất dẫn đến dễ bị rối. Việc này sẽ được khắc phục trong thời gian tới khi có nhiều đơn vị tham gia hơn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, sau 3 tháng thí điểm, lượng rau củ quả có dán tem truy xuất nguồn gốc của 2 HTX Phú Lộc và Phước An đạt sản lượng từ 8-10 tấn/ngày, tăng gấp đôi so với ngày đầu công bố. Đã có 168 hộ nông dân thuộc 2 HTX trên tham gia với hơn 141 chủng loại rau. Tại hệ thống Co.opmart, sản lượng tiêu thụ rau củ quả có dán tem tăng bình quân từ 10%-15% vì được người tiêu dùng tin tưởng. Hệ thống này cũng đang hỗ trợ 500 đồng/kg cho các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc của 2 HTX.
Bình luận (0)