Câu hỏi đặt ra nếu dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) được Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 và được tiến hành triển khai thì Việt Nam được và mất gì từ dự án này?
Thái Lan chọn Việt Nam để tránh ô nhiễm?
Một chuyên gia có nhiều năm làm việc trong ngành dầu khí và từng là lãnh đạo Tổng cục Dầu khí giai đoạn 1975-1978 (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đặt câu hỏi vì sao Thái Lan chọn Việt Nam làm dự án này với công suất và quy mô khổng lồ (vốn đầu tư khoảng 22 tỉ USD) trong khi bản thân nước họ có đủ đất đai để thực hiện?
Hơn nữa, Việt Nam cũng không có thế mạnh về dầu thô để khai thác khi chính các dự án hiện hữu trong nước đang phải nhập dầu thô về để chế biến. Theo chuyên gia này, nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề địa chính trị. Việt Nam có đường bờ biển dài, cực kỳ thuận lợi cho việc khai thác, sản xuất cũng như xuất khẩu dầu sang các nước láng giềng.
Nguyên nhân thứ hai có thể Việt Nam được lựa chọn làm căn cứ sản xuất dầu và xuất khẩu sang các thị trường khác bởi hậu quả nặng nề về môi trường mà các nước muốn né tránh. Việt Nam cũng sẽ thành nơi tiêu thụ các công nghệ lạc hậu. Như vậy, chúng ta không được gì ngoài tiền cho thuê đất trong khi phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề về môi trường, xã hội.
“Đối với việc tạo công ăn việc làm, hãy nhìn vào một số dự án nước ngoài khác như Vũng Áng chẳng hạn, có tới gần 8.000 lao động Trung Quốc. Vậy thì ở dự án này có chắc lao động Việt Nam được ưu tiên không là điều cần làm rõ” - chuyên gia này nêu ý kiến và cảnh báo việc tập trung quá nhiều dự án lọc hóa dầu tại khu vực miền Trung là không phù hợp với nhiệm vụ phát huy thế mạnh vùng, gây áp lực về môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiệt hại đến hoạt động du lịch vốn là thế mạnh của khu vực này.
Dưới góc độ chuyên gia am hiểu về các dự án đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng dự án này sẽ đem lại nguồn lợi cho phía Việt Nam từ thuế GTGT 10% khi tiêu thụ một phần trong nước, thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường…
“Nhưng những lợi ích đó có bù được ô nhiễm lâu dài hay không khi lọc hóa dầu là ngành công nghiệp cổ điển của thế giới dựa trên khai thác tài nguyên và nhiều nước hiện nay không còn làm hóa dầu vì những tác hại của nó” - GS Nguyễn Mại đặt vấn đề.
Nguồn cung sẽ dư thừa
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi Tổ hợp Nghi Sơn đi vào vận hành, về cơ bản, Việt Nam chủ động được 60%-70% nguồn cung xăng dầu. Do đó, việc xây thêm các nhà máy lọc dầu phải được tính toán kỹ. Một trong những cơ sở để Bộ Công Thương phê duyệt và trình Chính phủ đưa Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch là do trong tương lai Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng.
“Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu tại thị trường nội địa, Việt Nam hoàn toàn có thể thành nước xuất khẩu các sản phẩm này nếu bảo đảm hiệu quả đầu tư” - Bộ Công Thương nhận định.
Tuy nhiên, theo tính toán của GS Nguyễn Mại, nếu các dự án lọc hóa dầu được triển khai và mở rộng đúng theo dự kiến, tính cả dự án Nhơn Hội thì tổng công suất có thể lên tới trên 60 triệu tấn/năm. Trong khi lượng khai thác dầu thô tối đa của Việt Nam chỉ đạt 15 triệu tấn/năm, hiện phải nhập khẩu thêm khoảng 7 triệu tấn từ thị trường Trung Đông nên tổng sản lượng dầu thô là khoảng 22 triệu tấn.
“Lượng này chỉ vừa đủ cho 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, các dự án khác đều phải nhập dầu thô để sản xuất. Riêng Dung Quất, Nghi Sơn đã đủ để tiêu thụ trong nước. Còn lại các dự án nhập dầu thô để sản xuất dầu tinh xuất khẩu thì nên cân nhắc” - GS Mại nêu ý kiến.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến năm 2025, tổng nhu cầu các sản phẩm xăng dầu trong nước là 41 triệu tấn, nếu các nhà máy lọc dầu triển khai đúng quy hoạch cộng với sự góp mặt của Nhơn Hội thì nguồn cung trong nước sẽ là 52 triệu tấn, thừa 11 triệu tấn.
Chưa đàm phán xong
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bên lề cuộc họp báo thường kỳ chiều 3-11 cho biết Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội đã trình để đưa vào quy hoạch nhưng báo cáo chính thức chi tiết thực hiện vẫn chưa trình. Theo ông Hải, cần phải có đàm phán cụ thể giữa nhiều bên, xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện thì báo cáo này mới được trình.
Đừng để “giẫm chân” nhau
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành, quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), cho rằng việc có thêm Nhà máy Lọc dầu Nhơn Hội là không thừa.
Vấn đề là đầu tư làm sao hiệu quả nhất cho Nhà máy Nhơn Hội nói riêng và ngành lọc dầu nói chung. Cụ thể là phải hoạch định chiến lược về sản phẩm xăng dầu và hóa dầu trong quy mô toàn quốc để sản lượng, sản phẩm lọc hóa dầu không “giẫm chân” nhau và tránh tình trạng dư thừa.
Một khâu quan trọng nữa là nguồn dầu thô đầu vào cho các nhà máy hoạt động. Đây là bài toán cần xem xét để đưa vào chương trình chiến lược khi phát triển lọc hóa dầu.T.Trực
Bình luận (0)