Mới hơn 9 giờ sáng, khu vực bán hàng ăn uống và hàng tươi sống chợ Phạm Văn Hai đã vắng tanh, khu vực bán quần áo đông đúc hơn một chút. Khách đi chợ đa số là giới trẻ, dừng lại ở những sạp có treo bảng “sale off”, “bán hàng thanh lý” nhưng xem nhiều hơn mua. Vắng, ế, oải... là tình trạng chung của hầu hết các chợ trên địa bàn TP HCM.
Rất tội!
Gắn bó với chợ Phạm Văn Hai từ ngày mới thành lập, chứng kiến cảnh chợ ngày càng đìu hiu, bà Hoài Lan, bán lá chè tươi, kể trước đây bà bán hàng gia vị. Chỉ tay vào sạp gia vị Xuân Hòa đang đóng cửa, bà Lan cho biết lúc bốc thăm sạp này, bà phải bỏ ra 26 cây vàng. Buôn bán ế ẩm, trầy trật lắm nên 2 năm trước, bà sang được sạp cho người khác với giá 300 triệu đồng rồi chuyển sang bán lá chè tươi kiếm vài chục ngàn đồng/ngày. Chủ mới cũng chịu không nổi cảnh ế, phải đóng cửa nghỉ bán, cho thuê sạp làm kho chứa quần áo. Nhiều sạp khác bán không được, cho thuê cũng không xong đành bỏ trống để khỏi tốn tiền thuế, phí. “Tôi ngồi chợ mấy chục năm, mối mang đầy đủ mà còn không bán được, người mới nhảy vào sao kiếm lời được” - bà Lan nói.
Chị Phương, bán hàng tạp hóa, gia vị ở chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình), cho biết đã đóng cửa, nghỉ bán từ 2 năm nay. Theo chị Phương, năm 1998, chị bỏ ra 12 cây vàng sang 2 sạp liền kề để bán gia vị. Thời gian đó, khách đi chợ nườm nượp, bán hàng không kịp thở. Sau này, hàng bán ngày càng chậm. “Khách văn phòng thì thích đi siêu thị hơn đi chợ, khách bình dân ra ngõ là gặp chợ chồm hổm, tiệm tạp hóa nên cũng không cần tốn tiền gửi xe, tốn thời gian lội chợ mua hàng. Có ngày ngồi từ sáng tới chiều mà chỉ bán được hơn chục ký đậu, đường; ngày đắt khách cũng chỉ kiếm được chút ít để trang trải các khoản thuế, phí và đủ tiền chợ chứ không có dư. Tôi muốn sang sạp lấy vốn về mở cửa hàng tạp hóa nhưng người mua trả rẻ quá...” - chị Phương thở dài.
Theo Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai, toàn chợ có 815 hộ kinh doanh với gần 1.600 sạp. Từ đầu năm đến nay có nhiều hộ xin tạm ngưng kinh doanh, trong đó có 33 hộ xin nghỉ luôn, 4 hộ xin nghỉ có thời hạn. Mãi lực chợ đã yếu, sau Tết lại càng yếu hơn, giảm đến 30%-40% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng khu bán rau củ, thịt cá có 226 sạp thì đã khoảng 150 sạp tạm ngưng hoạt động vì ế. Theo một cán bộ Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai, hiện chỉ có khu vực bán quần áo là khá xôm tụ, còn lại các ngành hàng khác đều èo uột. Nhất là khu C, nhiều tiểu thương cho người khác vào bán miễn phí, chỉ yêu cầu đóng tiền hoa chi giùm mà không ai vô.
Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng Ban Quản lý chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết tình trạng chợ ế, tiểu thương bỏ chợ gia tăng thời gian gần đây. Tiểu thương hàng thịt heo, vải, mỹ phẩm nghỉ bán nhiều nhất. “Nhiều tiểu thương 2-3 ngày không bán được hàng, buồn quá tắt đèn ngủ luôn tại chợ, rất tội” - ông Trang kể.
Tại các chợ sỉ như Bình Tây, Tân Bình và chợ “nhà giàu” như Bến Thành, An Đông tuy không thê thảm như chợ loại 2, loại 3 nhưng cũng đang rơi vào tình cảnh... vắng khách.
“Chết” vì nhiều lý do
Theo các chuyên gia kinh tế, sức mua yếu do kinh tế khó khăn, hệ thống phân phối hiện đại phát triển mạnh dẫn đến việc chợ truyền thống mất dần vai trò là xu hướng tất yếu. Song song đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm; siêu thị bán hàng có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng nên có lợi thế hơn. Ngoài các lý do trên, theo ban quản lý các chợ, chợ truyền thống còn “chết” bởi cung cách kinh doanh thiếu cởi mở. Chưa kể, chợ tự phát mọc lên tràn lan, không phải tốn thuế phí, lấy hàng không rõ nguồn gốc nên bán giá thấp hơn cũng khiến các tiểu thương kinh doanh trong nhà lồng điêu đứng.
Theo ông Nguyễn Xuân Trang, ban quản lý chợ thường nhắc nhở tiểu thương muốn tồn tại phải điều chỉnh cung cách giao tiếp, kỹ năng bán hàng; chủ động giảm lãi; bán hàng đúng giá, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, dịch vụ hậu mãi tốt... mới hy vọng giữ được khách.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết theo quy hoạch phát triển chợ, siêu thị, số chợ hiện nay là 238 sẽ giảm xuống còn 235 vào năm 2015. Chủ trương của TP HCM là không phát triển thêm chợ mà tập trung vào những chương trình hỗ trợ chợ truyền thống phát triển. Trong đó, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ, tập huấn cho tiểu thương nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ bán hàng.
TP HCM cũng đang thực hiện đề án xây dựng thương hiệu cho chợ và cho từng tiểu thương, thông qua đó đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng VietGAP vào tiêu thụ ở các chợ. Hiện 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đã được cấp chứng nhận thương hiệu, Sở Công Thương đang khuyến khích xây dựng thương hiệu cho thương nhân các chợ.
Ngoài ra, Sở Công Thương, Trường ĐH Kinh tế TP và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang thực hiện đánh giá hiệu quả chương trình tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương để chuẩn bị triển khai kế hoạch tập huấn năm 2014.
Bình luận (0)