Với địa hình đặc thù sông nước như miền Tây, nỗi lo dịch lây lan ra toàn vùng đang cận kề.
Hôm 13-5, trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình chống dịch do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đã có 29 tỉnh, thành phố có dịch tả heo châu Phi. Thêm một tỉnh ở vùng riêng biệt có dịch, đồng nghĩa với việc ngăn chặn không hiệu quả.
Dịch tả heo châu Phi được phát hiện ở các tỉnh phía Bắc từ hơn 2 tháng qua. Theo đánh giá của các ngành chức năng, chưa bao giờ ngành chăn nuôi Việt Nam phải đối phó với dịch bệnh nguy hiểm và tốn kém đến vậy. Ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ đã cảnh báo đây là dịch bệnh rất nguy hiểm, các địa phương phải dốc toàn lực ngăn chặn. Thế nhưng, có vẻ như lãnh đạo nhiều địa phương chưa đánh giá hết tầm quan trọng của vấn đề.
Từ đầu tháng 4, khi dịch bệnh lan ra 23 tỉnh, thành thì tỉnh Hòa Bình công bố hết dịch. Tiếp theo đó, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên cũng thở phào vì đã qua 30 ngày không có thêm heo mắc bệnh. Thế nhưng, đến nay dịch bệnh đã lan ra khắp nơi; nguy hiểm hơn là đã xuất hiện tại những thủ phủ chăn nuôi heo lớn nhất nước như Đồng Nai, Bình Dương... TP HCM - thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất nước - phập phồng lo không biết khi nào heo bệnh sẽ tràn vào.
Đã là dịch bệnh thì sẽ lây lan trực tiếp qua những vùng lân cận, tốc độ lây nhanh hay chậm phụ thuộc vào nỗ lực ngăn chặn của từng địa phương. Biểu đồ vùng dịch lan dần từ các tỉnh phía Bắc vào miền Trung rồi tiến vào miền Nam. Mặc dù vậy, nhiều nơi vẫn chủ quan, cho rằng tỉnh mình không có dịch nên chỉ cảnh giác trên giấy mà chưa có phương án cụ thể ngoài việc tuyên truyền. Nay miền Tây đã có dịch thì có thể hình dung nhiều tỉnh, thành trên tuyến lây lan này đã có heo bệnh. Vấn đề là đã kiểm tra kỹ và phát hiện hay không. Virus dịch bệnh cũng không thể "phóng" từ các tỉnh miền Trung vào thẳng Đồng Nai và rồi "nhảy" xuống tận Hậu Giang gây bệnh.
Mức độ lây lan khủng khiếp của dịch tả heo châu Phi đã được chứng thực qua nhiều quốc gia. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, Cuba đã vất vả chống chọi và ngành nông nghiệp nước này lao đao vì nó. Kế đến hàng chục nước châu Âu như Nga, Belarus, Gruzia, Azerbaijan... đã nếm đủ hậu quả. Gần nhất là vào tháng 9-2018, Trung Quốc phát hiện những ổ dịch lớn ở tỉnh Liêu Ninh.
Còn ở nước ta thì sao? Tỉnh nào cũng hứa, cũng đưa ra phương án chống dịch nhưng hiệu quả như thế nào đã rõ. Trong chuyến thị sát mới đây ở Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ngỡ ngàng khi thấy heo bệnh thả trôi lềnh bềnh trên kênh mương. Thậm chí heo bệnh sau khi đem chôn bị đào lên (để làm gì thì chẳng ai dám tưởng tượng!).
Chống dịch như thế trong bối cảnh vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa thì quả là hết sức lo ngại...
Bình luận (0)