Theo đó, vẫn còn tình trạng DN gặp khó khăn khi sử dụng Cổng thông tin một cửa quốc gia, như: thiếu ổn định do lỗi kết nối; tốc độ xử lý tác vụ còn chậm; khâu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành vẫn mất thời gian và chi phí nhất...
Kết quả trên được thu thập từ phản ánh ý kiến của gần 3.100 DN đối với 12 thủ tục hành chính, dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, gồm: Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế. Theo VCCI, Cổng thông tin một cửa quốc gia đóng vai trò là cơ chế một cửa cho các thủ tục thông quan và dự kiến sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nhấn mạnh thủ tục "tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành" là giai đoạn tốn kém thời gian nhất của DN. "Ở mỗi thủ tục, chi phí phát sinh nhiều nhất là ở giai đoạn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành và đánh giá sự phù hợp của nhà nước so với khu vực tư nhân" - ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Nguyên nhân, theo ông Đậu Anh Tuấn, là do hệ thống xử lý thủ tục của bộ quản lý chuyên ngành chưa điện tử hóa hoàn toàn, một số DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần và thời gian các bộ xử lý hồ sơ của một số DN tương đối lâu, dẫn đến tốn kém thời gian, chi phí.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết bộ là một trong 3 bộ đầu tiên tham gia một cửa quốc gia nhưng đến nay mới kết nối được 11 thủ tục và còn 6 thủ tục chưa kết nối được. Cũng theo ông Hải, sau 6 tháng Chính phủ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Công Thương đã đưa lên được 131 thủ tục hành chính, còn một cửa quốc gia chỉ có 9 thủ tục trong 6 năm.
Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nêu thực trạng còn có sự phức tạp trong thủ tục, giấy tờ nên muốn triển khai trên hệ thống cơ chế một cửa quốc gia cũng còn khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ vẫn thiếu sự đồng bộ để vận hành trôi chảy. Ông Cẩm kiến nghị thời gian tới cần sự vào cuộc của tất cả các bên để cơ chế một cửa quốc gia vận hành có hiệu quả, thông suốt. Đại diện một số DN, hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị các bộ, ngành đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục khó khăn của DN khi sử dụng chữ ký số. Đồng thời, nâng cấp chức năng giải đáp vướng mắc cho DN khi thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ DN trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các DN cũng nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính cần đi vào thực chất, công khai, minh bạch để giảm chi phí.
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay sẽ cùng Tổng cục Hải quan phối hợp các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất khẩu.
Bình luận (0)