"Lý do có thể bởi chúng ta cho phép tự do kinh doanh nhưng không có sự an toàn. Nhiều rủi ro về mặt thể chế, đặc biệt DN phải đối mặt rủi ro pháp lý do hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. DN tư nhân không thể tính toán được lâu dài và cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn. Có những DN muốn lớn nhưng không lớn được do vướng cơ chế xin - cho, sự méo mó của thị trường vốn…" - ông Cung phân tích.
Một doanh nghiệp sản xuất nồi cơm điện của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng khiến hiệu quả của DN tư nhân chưa cao là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều DN không hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng "mì ăn liền", muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... "Dù Chính phủ tạo điều kiện nhiều nhưng bản thân DN không tự làm mới mình thì cũng rất khó để có bước đột phá trong ngắn và trung hạn" - ông Kiên nhận xét.
Bình luận (0)