Người tiêu dùng ngày càng xa lánh hàng kém chất lượng của Trung Quốc, chủ động chuyển sang sử dụng hàng Việt. Làm thế nào doanh nghiệp (DN) Việt có thể tận dụng cơ hội này vươn lên làm chủ thị trường tiêu thụ nội địa?
Được tin dùng hơn
Hội chợ triển lãm “Tôn vinh hàng Việt” do Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP HCM, Hiệp hội DN TP HCM tổ chức diễn ra từ ngày 6 đến 10-6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Tân Bình chứng kiến sự khởi sắc cả về thương hiệu và doanh số hàng Việt. Triển lãm gồm 400 gian hàng của 200 DN uy tín trong các lĩnh vực may mặc, thực phẩm chế biến, hàng gia dụng - nhựa, thủ công mỹ nghệ, hóa mỹ phẩm, kim khí điện máy, văn hóa phẩm…
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, triển lãm chọn lọc giới thiệu sản phẩm của những DN uy tín, có sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nên được người tiêu dùng đón nhận, sức mua hàng khá cao. “Tôi nghĩ đây chỉ là một trong những chương trình mà chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa để chiếm lại thị trường và cũng là cơ hội thoát khỏi sự tiêu dùng hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc” - ông Hưng nói.
Hội chợ triển lãm cũng phản ánh phần nào bức tranh hàng Việt tại thị trường nội địa. Hội nhập kinh tế toàn cầu tạo điều kiện cho DN trong nước tiếp cận, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối. Song song đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với hàng loạt chương trình hoạt động đã góp phần gia tăng tỉ lệ tiêu dùng hàng Việt. Sơ kết cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở TP HCM năm 2013, có 71% người tiêu dùng cho biết ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hàng Việt chiếm tỉ lệ 90% tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, sạp chợ…
Theo các siêu thị, so với 5-6 năm trước, hiện hàng Việt - đặc biệt là ngành hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ dùng - đã có nhiều tiến bộ về chất lượng, mẫu mã, giá cạnh tranh. Cơ cấu hàng sản xuất trong nước ngày càng chiếm tỉ lệ cao tại các hệ thống siêu thị. Các hệ thống phân phối cũng ưu tiên hàng Việt và có nhiều chương trình xúc tiến, hỗ trợ đưa hàng Việt vào siêu thị. Tại hệ thống Co.opmart, từ năm 1997 đã tổ chức chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2010 đến nay là chương trình “Tự hào hàng Việt”. Từ chương trình ban đầu chỉ vài chục nhà cung cấp hưởng ứng, đến chương trình năm 2013 đã có hơn 600 nhà cung cấp tham gia “Tự hào hàng Việt”.
Thoát phụ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc
Bà Lộc Thọ, chủ DN Hanh Thông chuyên sản xuất các loại trà, cà phê từ cây chùm ngây (moringa), cho biết sản phẩm của DN xuất khẩu đi châu Á, châu Âu và các nước ASEAN nhưng tại Việt Nam, doanh thu chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh số. “Chúng tôi có chào hàng ở một số siêu thị nhưng khó khăn quá nên… nản. Trong khi tại một số nước, chính phủ khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm từ cây chùm ngây thì tại Việt Nam, ít ai biết được công dụng của loài cây này”. Nguyên nhân là khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của DN này chưa được làm tốt. Trường hợp của Công ty Hanh Thông không phải cá biệt mà là thực trạng chung của nhiều DN Việt: có sản phẩm tốt, giá trị cao nhưng không biết làm thương hiệu, không giới thiệu rộng rãi và không vào được các hệ thống phân phối hiện đại.
Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng về mặt sản xuất, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thoát khỏi sự lệ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc. Trong đó, Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là cơ hội để chúng ta kêu gọi đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tiếp cận thiết bị hiện đại của các nước châu Âu, Mỹ nhằm tạo nên sản phẩm “made in Vietnam” chất lượng cao, từ đó chiếm lĩnh những thị trường cao cấp hơn.
Riêng về hàng tiêu dùng, muốn đột phá và mở rộng thì DN phải thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất, máy móc thiết bị. Một số DN hiện vẫn xài máy cũ của Trung Quốc tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng nhiều lao động và tạo ra những sản phẩm cấp thấp nên giá thành rất khó cạnh tranh. Ngay từ bây giờ, các DN phải có sự thay đổi. Quan trọng nhất là nhà nước phải hỗ trợ thông qua các chương trình hỗ trợ lãi suất cho các DN nhập thiết bị máy móc, cho DN thế chấp bằng thiết bị máy móc đó để vay vốn đầu tư quy trình sản xuất mới, tạo sản phẩm mới...
Kỳ tới: Những cuộc “lột xác”
Tự hào hàng Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt đề án phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối lên 80%. Trong giai đoạn 2014 -2020 sẽ thực hiện 4 chương trình: hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt trên cả nước; xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; xây dựng kho phân phối hàng Việt Nam tại địa bàn nông thôn, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.
Bình luận (0)