Trên địa bàn TP HCM, 6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống ước tăng 8,74% (cùng kỳ tăng 5,02%). Trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm tăng khá 10,69%, chủ yếu nhờ ngành chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 14,35%, sản xuất sản phẩm mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 13,95%. Chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất, chế biến thực phẩm 6 tháng đầu năm cũng tăng 7,9%.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá thị trường thực phẩm, đồ uống bắt đầu có sự tăng trưởng tích cực nhờ mức thu nhập của người dân ngày càng cao cùng xu hướng sử dụng sản phẩm an toàn và chất lượng cao.
Ngành thực phẩm đóng gói đã tăng trưởng tốt trong thời gian qua
Trong 6 tháng, doanh thu bán lẻ nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 38.465,6 tỉ đồng, tăng 12% so cùng kỳ và chiếm 17,34% doanh thu bán lẻ hàng hóa. Song song đó là sự gia tăng xu hướng tiêu dùng nhanh tại thị trường trong nước, mang lại cơ hội lớn cho sản lượng tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống. Số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đồ uống ở TP HCM tăng trưởng khá nhanh, bình quân tăng 13,7%/năm trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, sự mở rộng quy mô và số lượng cửa hàng tiện lợi cũng góp phần tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Trên phạm vi cả nước, báo cáo mới đây vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố cho thấy giá trị ngành thực phẩm đóng gói và các ngành hàng phụ khác đều có sự tăng trưởng tốt. Trong đó, thức ăn nhẹ là ngành hàng dẫn dắt tăng trưởng chính trong ngành thực phẩm đóng gói. Năm 2017, giá trị ngành thực phẩm đóng gói tại 4 thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng đạt 9.200 tỉ đồng, khu vực nông thôn là 42.200 tỉ đồng.
Dự báo đến năm 2020, thị trường thức ăn nhẹ tiêu thụ tại nhà ở thành thị sẽ đạt 3.400 tỉ đồng, khu vực nông thôn là 14.200 tỉ đồng.
Bình luận (0)