Cũng theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) này, có những mặt hàng số dòng thuế được gỡ bỏ tương đương đến 100% kim ngạch xuất khẩu, như thủy sản và da giày.
Toàn diện, “dễ thở”
Trở về từ lễ ký kết chính thức FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), khẳng định đây là hiệp định được đánh giá toàn diện, tức là không chỉ quan tâm và thực hiện các cam kết liên quan đến biểu thuế hàng hóa như các hiệp định trước đây mà còn chú ý đến nhiều yếu tố khác như: thuận lợi hóa thương mại, cam kết về đầu tư…
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng điểm quan trọng nhất trong các FTA này chính là độ sâu của các cam kết. “Hai bên cam kết mở cửa cho nhau 90% dòng thuế, tương đương 90% kim ngạch xuất nhập khẩu nhưng đáng nói là đều tập trung vào những mặt hàng ưu tiên và đặc biệt có lợi thế. Do đó, hiệp định bảo đảm lợi ích sâu cho cả hai bên vượt qua cả ý nghĩa của con số 90% nói trên” - ông Hải bình luận.
Cụ thể, với mặt hàng thủy sản, đối tác mở cho Việt Nam tới 95% dòng thuế, trong đó 71% dòng thuế được xóa bỏ ngay lập tức sau khi hiệp định có hiệu lực. Đáng nói, số lượng 71% dòng thuế này đã tương đương 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường liên minh.
Mặt hàng da giày được cắt giảm 77% dòng thuế (73% được cắt bỏ hoàn toàn theo lộ trình tối đa là 5 năm) cũng tương đương gần như 100% kim ngạch xuất đi… “Mức độ mở cửa rất lớn nếu so với các hiệp định khác, như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chẳng hạn, chỉ đạt được trên 50% dòng thuế là đã mỹ mãn rồi. Đó là chưa kể đến mức độ ưu tiên trong từng mặt hàng được mở cửa bởi hai bên có cơ cấu mặt hàng bổ sung cho nhau và đều có nhu cầu nhập khẩu của nhau lớn” - ông Hải nhận xét.
Hiệp định mang lại một nội dung đàm phán rất thuận lợi, đó là sự nới lỏng của nguyên tắc xuất xứ. Yêu cầu xuất xứ đối với dệt may chỉ dừng lại ở “cắt và may”, phù hợp với nền sản xuất của Việt Nam rất nhiều nếu so với nguyên tắc “từ sợi trở đi” của TPP. Hàng nông nghiệp cũng cho phép nhập khẩu nguyên liệu từ nước khác, đặc biệt là cá ngừ và tôm. Hàng da giày chỉ yêu cầu mũ giày được sản xuất ở những nước trong hiệp định, các phần khác được nới lỏng…
Thành hay bại là do chúng ta
Hiện kim ngạch hàng hóa từ Việt Nam chỉ chiếm 0,3% kim ngạch nhập khẩu của các nước trong liên minh. Bộ Công Thương cho biết sau khi hiệp định có hiệu lực, dự kiến mỗi năm tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 bên sẽ tăng khoảng 18%-20%, nâng kim ngạch tuyệt đối từ mức 2,7 tỉ USD hiện nay theo số liệu của Việt Nam (3,7-4 tỉ USD theo số liệu của Liên minh kinh tế Á - Âu) lên 10 tỉ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia đều cho rằng thành tích đó sẽ không dễ đạt được nếu như doanh nghiệp (DN) không nhận diện được những thách thức và đường lối thâm nhập thị trường cụ thể.
Khoảng cách địa lý là khó khăn không nhỏ của DN khi tiếp cận thị trường. Vụ trưởng Đặng Hoàng Hải nêu: “DN Việt mới chỉ quen đường đưa hàng hóa sang các thị trường như Liên minh châu Âu nhưng lại chưa có kinh nghiệm. Các công ty muốn làm ăn được phải chú ý khảo sát thật kỹ con đường vận chuyển. Nếu ta không tìm được đường cũng như tìm được đối tác vận chuyển hợp lý thì chi phí vận tải rất lớn, thậm chí còn triệt tiêu luôn lợi thế của việc giảm thuế”.
Ngoài ra, trong khối này cũng có nhiều nước không nằm trong Tổ chức Thương mại thế giới nên hàng rào kỹ thuật, các quy định về hải quan… sẽ có điểm khác biệt đối với thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, trước đây mặt hàng hải sản chúng ta đã có một số vướng mắc với Nga khi họ yêu cầu kiểm tra vi khuẩn yếm khí mà thực ra quy định chung trên quốc tế không có.
Bên cạnh đó, DN Việt Nam khi làm các lô hàng nhỏ thì quản lý được chất lượng nhưng lô hàng lớn thì chất lượng lại thường “có vấn đề” dẫn đến mất đơn hàng, bạn hàng.
TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại, cho rằng với hiệp định này, Nga sẽ là thị trường trọng điểm được DN Việt Nam hướng tới bởi quy mô và tính chất dẫn dắt thị trường của nó. Đặc biệt, DN xuất khẩu thủy sản sẽ tìm được nhiều hơn cơ hội đưa sản phẩm sang thị trường truyền thống này.
“Việc ký kết sẽ giúp thuế quan giảm từ 10% xuống 0% và đặc biệt các dòng thuế cắt giảm ngay lại nằm chính ở những mặt hàng mà chúng ta đã và đang xuất đi. Lợi thế là vậy nhưng DN không nhanh chóng tìm đường xâm nhập thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Tôi lấy ví dụ đã có công ty xuất khẩu thủy sản liên kết với ngân hàng thành lập liên doanh với Nga để đầu tư sản xuất ngay tại Nga. Các DN khác cũng nên học tập” - TS Phạm Tất Thắng nói.
Bình luận (0)