Sáng 25-10, Sở Công Thương và Trường ĐH Kinh tế TP HCM tổ chức hội thảo báo cáo kết quả sơ bộ đề án Phát triển ngành thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đề án do 2 đơn vị này phối hợp thực hiện.
Tăng trưởng bùng nổ
Theo nhóm thực hiện đề án, tăng trưởng chung của TMĐT trên cả nước hiện đạt khoảng 25% và lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư lĩnh vực này ngày càng nhiều. Năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ trong TMĐT với những con số ấn tượng. Tổng doanh thu của các công ty TMĐT tại Việt Nam năm 2018 đạt 2,26 tỉ USD, tăng gần 30% so với năm 2017 và gấp gần 2 lần năm 2015. Với kết quả đó, Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới và chỉ xếp sau những "ông lớn" như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật, Đức.
Thương mại điện tử đã có bước tăng trưởng nhanh trong thời gian qua Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện tại TP HCM có khoảng 130.000 website hoạt động, trong đó gần 9.000 website TMĐT đăng ký với Bộ Công Thương (8.519 website TMĐT bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ TMĐT). TP HCM tiếp tục là địa phương có thị trường hoạt động TMĐT sôi động, thuộc loại lớn nhất nước. Doanh số mua bán trực tuyến trên địa bàn chiếm 8,14% tổng mức bán lẻ hàng hóa, chiếm khoảng 40% tổng doanh số giao dịch TMĐT cả nước.
Hiện quản lý trong lĩnh vực TMĐT đang phải "chạy theo" DN. Nguyên nhân, theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, phát triển TMĐT trên địa bàn rất nhanh và ngày càng mạnh mẽ nhưng quản lý nhà nước lĩnh vực này còn sơ khai, gặp nhiều khó khăn. Để TMĐT phát triển và hiệu quả, cần tổ chức sân chơi cho các DN TMĐT và có cách quản lý tốt để các kênh TMĐT phát triển tốt, có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển đồng bộ.
Kết hợp 2 loại hình thương mại
Theo nhóm đề án, TP HCM có nhiều điều kiện khách quan có thể phát triển TMĐT thành công. Đó là hạ tầng cơ bản phù hợp cho TMĐT phát triển. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh doanh của TP HCM đã kéo nhiều DN đầu tư vào mảng TMĐT. Hiện quy mô ứng dụng dịch vụ TMĐT tại TP HCM chiếm 60% cả nước. Các DN đang dịch chuyển giải pháp bán hàng sang phân phối đa kênh và bước đầu tích hợp dữ liệu lớn. Dù hình thức COD (mua hàng không phải đặt cọc) vẫn là chính nhưng môi trường tài chính công nghệ đang thay đổi TMĐT. Bên cạnh đó, những điều kiện chủ quan sẽ tác động đến sự thành công của TMĐT như TP HCM xây dựng đô thị thông minh, triển khai hạ tầng 5G…
Ở góc độ DN, ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Lazada, đánh giá xu hướng phát triển TMĐT đang nhảy vọt ở mảng di động, người tiêu dùng trẻ tiếp cận nhanh và nhu cầu mua sắm đa dạng. Do vậy, định hướng phát triển thương mại của TP cần kết hợp TMĐT với thương mại truyền thống. TP HCM đã mạnh mảng thương mại truyền thống, nay cần kết hợp TMĐT để phát triển bền vững. "Vấn đề đặt ra là liệu có xảy ra mâu thuẫn giữa TMĐT và thương mại truyền thống không, câu trả lời là có và không. "Có" nếu không giải quyết tốt quyền lợi của các bên và "không" nếu làm tốt việc phối hợp và vận hành" - ông Vũ Quốc Tuấn nói và góp ý thêm là cần xây dựng hệ sinh thái cho TMĐT. Khi có hệ sinh thái thì kinh doanh trực tuyến sẽ phát triển rất nhanh và cơ hội chia đều cho DN lớn lẫn nhỏ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, DN đang góp phần hỗ trợ rất lớn cho các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện sản phẩm kém chất lượng trong TMĐT. Làm sao hài hòa 2 yêu cầu, có sân chơi tốt cho DN nhỏ và vừa, đồng thời người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý. Bên cạnh đó là kết nối các chủ thể tham gia để đồng bộ hóa giải pháp TMĐT và thanh toán điện tử; có cơ chế thúc đẩy TMĐT phát triển và hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Bình luận (0)