Chiều 6-3, tại TP HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương và các hiệp hội ngành nghề liên quan đến thực phẩm tổ chức Hội nghị Phổ biến Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Tại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phản ánh tình trạng ách tắc do cách hiểu quy định khác nhau của các cơ quan chức năng. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI tại TP HCM, cho biết cộng đồng DN đánh giá cao Nghị định 15 khi giảm đến 90% thủ tục hành chính cho DN thực phẩm, giúp tiết giảm hàng triệu ngày công mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Nghị định 15 thay đổi cơ bản phương thức quản lý về thực phẩm, trao quyền tự chủ cho DN nhưng phải chịu trách nhiệm lớn. Các đơn vị đang tích cực triển khai, phổ biến quy định để thống nhất cách hiểu, cách thực hiện, tránh trường hợp cùng một nội dung nhưng mỗi tỉnh thành; thậm chí trong một tỉnh, thành nhưng các chuyên viên giải thích khác nhau gây khó cho DN.
"Có trường hợp DN muốn tiếp tục được xác nhận công bố tại Cục An toàn thực phẩm, Ban An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành như trước nhưng cơ quan nhà nước không thể đáp ứng vì quy định đã bỏ, công chức nhà nước không thể thực hiện thủ tục không có trong quy định" - ông Phong thông tin.
Bộ Y tế kiểm tra các sạp kinh doanh phụ gia tại chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM), hoạt động quản lý thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị định 15 có hiệu lực từ ngày 2-2, thời điểm giáp Tết nguyên đán nên việc triển khai trễ khiến DN phải đợi hướng dẫn. Trước đây, việc thực hiện thủ tục xác nhận công bố sản phẩm nhiều DN phó thác cho công ty dịch vụ (cò) nhưng khi được giao quyền tự chủ thì DN lại lúng túng.
Tại TP HCM, ngày 26-2, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP mới có văn bản chính thức thông báo ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đề nghị DN nghiên cứu Nghị định 15 để thực hiện đúng quy định. Thậm chí, có DN còn phản ánh thủ tục công bố sản phẩm đã bị "tắc" hơn 1 tháng nay. Tuy nhiên, ông Lê Minh Hải, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, cho biết trường hợp DN vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng không nắm được thông tin nội bộ nên tiếp tục thắc mắc. Ông Hải thông tin đến nay, đã có 127 sản phẩm DN tự công bố sản phẩm gửi cho ban và đang được ban cập nhật trên website.
Cũng tại hội nghị, nhiều hiệp hội DN phản ánh về việc các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất nội bộ không được hải quan thông quan theo quy định mới mà phải chờ hướng dẫn gây ách tắc trong sản xuất. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, đánh giá đây là biểu hiện của việc "trên nóng, dưới lạnh" khi Thủ tướng ký nghị định có hiệu lực ngay nhưng việc triển khai chậm.
Có mặt tại hội nghị nhưng bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng Phòng Giám sát, Tổng cục Hải quan, đã không thể giải đáp thắc mắc của DN mà hẹn sẽ trả lời bằng văn bản vào ngày thứ sáu tới (tức 9-3) do ngành hải quan cũng gặp vướng mắc trong thực hiện nghị định.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), băn khoăn về việc khi DN tự công bố sản phẩm thì quản trị của nhà nước như thế nào để chuyển từ quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết đang phối hợp cùng Tập đoàn Viettel xây dựng phần mềm dữ liệu để quản lý. Theo đó, tất cả các sản phẩm DN đã công bố sẽ được lưu trữ thông tin, trước hết là bản cứng. Khi dữ liệu mềm hoàn thành, các DN và người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin về sản phẩm.
Tăng lực lượng thanh tra
Sáng 6-3, phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị định 15 do Bộ Y tế triển khai cho các cơ quan quản lý thực phẩm phía Nam, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết hiện ban có khoảng 250 thanh tra thực phẩm trong khoảng hơn 400 nhân sự. Kế hoạch sắp tới sẽ tăng lực lượng thanh tra lên 400 người từ việc sắp xếp lại các phòng - ban và bổ sung nhân sự từ Khoa An toàn thực phẩm thuộc các trung tâm y tế quận, huyện. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra cũng cần được tháo gỡ các thủ tục hành chính rườm rà vì hiện nay, lực lượng này quá vất vả để kết luận một vụ việc vi phạm mất an toàn thực phẩm.
"Đơn cử như dịp Tết vừa qua, thanh tra phát hiện cùng lúc 30 tấn thịt heo không đạt chuẩn, nói chính xác là thịt đang quá trình phân hủy nhưng theo quy định phải lưu kho, lấy mẫu kiểm nghiệm. Chi phí lưu kho mỗi ngày mất 400.000 đồng, thời gian chờ kết quả chủ hàng bỏ trốn. Theo quy định, nhà nước phải chịu chi phí lưu kho, tiêu hủy nhưng do số tiền này lớn, phải đấu thầu kéo dài thời gian nên một số trường hợp thanh tra ngại xử lý" - bà Lan phân tích.
Bình luận (0)