1. Các chuyên gia du lịch Nhật Bản vẫn thắc mắc vì sao dân Nhật nhiều tiền, thích trải nghiệm, say mê ẩm thực Việt, mua sắm nhiều và mê du lịch văn hóa đến vậy mà mỗi năm đến Việt Nam chưa đến 50.000 lượt và thời gian lưu trú lại quá ngắn. Trong khi đó, Hawaii có nhiều nét tương đồng với chúng ta ở nhiều mặt, mà người Nhật tới đó hàng triệu lượt/năm với thời gian lưu trú 4-5 ngày?
Ảnh: Trần Thường
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch toàn cầu - GS Ijima Yukichika - nói Hawaii có sự đón tiếp nồng ấm, có tầm nhìn và mục tiêu cụ thể đối với thị trường du khách Nhật. Nền du lịch Hawaii luôn có sẵn người nói tiếng Nhật và món ăn Nhật ở mọi nơi để đón tiếp bất cứ nhóm hay cá nhân du khách nào đến từ Nhật; sự liên kết chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch bang Hawaii, cơ quan tổ chức các hội nghị, ngành hàng không, hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng... đã hợp thành một thể thống nhất tạo ra sản phẩm du lịch để thỏa mãn khách hàng, họ cũng thể hiện lòng tự hào về xứ sở của họ, nên không có tình trạng cục bộ địa phương.
"Đó là bài học thành công của Hawaii" - GS Ijima Yukichika nói.
Trong lúc đó, cả Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế chỉ có 3 hướng dẫn viên tiếng Nhật được cấp thẻ! Giảng viên kinh tế tại đại học Chukyo - ông Yoshiaki Noguchi - vừa là Chủ tịch HĐQT HRInstitute, đưa ra khái niệm"Concept du lịch" như một gợi ý cho du lịch miền Trung khi xây dựng chiến lược chung. Đó là một mũi tên dẫn đường cho toàn bộ hoạt động để thực hiện chiến lược cơ bản và chú trọng đến tài nguyên con người, các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch. Tại miền Trung Việt Nam, Huế, Hội An, Mỹ Sơn là những vùng riêng biệt nhưng dưới mắt người Nhật, tất cả đều nằm trong một vùng và vì vậy cần có một concept làm rõ "đặc trưng vùng" bằng những phối hợp cụ thể, rất cụ thể, để truyền đạt sức hút của vùng này với du khách.
2. Nga là thị trường khách lớn thứ 2 của du lịch Khánh Hòa (sau Trung Quốc). Năm 2019, Khánh Hòa đã đón gần 463.000 lượt khách Nga, chiếm 71,6% tổng số khách Nga đến Việt Nam. Tại TP HCM, lượng khách Nga đến thành phố này năm 2018 đạt 82.700 lượt và thuộc tốp 20 thị trường hàng đầu có lượng khách đến đây. Theo đánh giá của Anex Việt Nam, khách Nga có thời gian lưu trú trên 10 ngày, chi tiêu bình quân 1.600 USD, gấp 6 lần khách Trung Quốc.
Còn tại vùng di sản miền Trung thì sao?
Từ tháng 3-2012, lần đầu tiên có 200 du khách Nga đến Hội An nhưng chuyện thông dịch tiếng Nga là cả một vấn đề khó ở các resort và khách sạn tại đây. Cả Hội An, người nói được tiếng Nga chỉ đếm chưa hết trên đầu ngón tay nên chỉ có thể viết tiếng Nga trên thực đơn, còn nhân viên buồng phòng chỉ biết ra dấu.
"Không có người biết tiếng, cảm giác như ở nhà sẽ không còn nữa" - Sergey E. Korneev, chuyên gia du lịch tại St Petersburg - Nga, đã nói. Một tổng giám đốc công ty lữ hành Calypso tại Nga cho biết "nếu khách chúng tôi đến Hội An mà thiếu hướng dẫn bằng tiếng Nga thì khá bất tiện. Các bạn hãy sớm đào tạo nhân viên nói được tiếng Nga!".
Một giám đốc lữ hành tại Hội An nói khi đào tạo được ít hướng dẫn viên tiếng Nga để phục vụ cho thị trường mới thì dịch Covid-19 đã uy hiếp khắp nơi, thị trường du khách Nga từ tháng 3-2020 đã vắng lặng.
3. "Lịch sử, ngôn ngữ, các biểu tượng nghệ thuật và nghi lễ truyền thống đều có những giá trị quan trọng để quảng bá ra bên ngoài của mỗi quốc gia hoặc mỗi tỉnh, thành nhưng con người mới chính là một giá trị gắn liền với các di sản văn hóa mà nhiều nước đã đánh mất. Nếu chúng ta có các di sản riêng và dân chúng đồng lòng gìn giữ để giới thiệu cho thế giới thì đó là vô giá" - GS Quelch nhấn mạnh và nói cần phát triển những khu nghỉ mát hạng sang và giảm bớt các khách sạn dưới 3 sao, vì "làn sóng du lịch ba-lô luôn là mối đe dọa đối với sự bền vững của môi trường, cái mà các bạn rất cần và cũng là kinh nghiệm đau xót của nhiều nước đi trước".
GS Quelch nói đến những vấn đề cụ thể: "Tôi đề nghị Quảng Nam tập hợp các địa chỉ email của mọi du khách để tạo ra sự thăm hỏi, cung cấp thông tin cứ 6 tháng một lần với họ, mời họ quay lại. Đó là một cách quảng bá hiệu quả và tích cực. Từ họ, những lời đồn đại, khen tặng sẽ rỉ tai đến bạn bè họ thì không có quảng cáo nào tốt hơn". Ý tưởng mới khác mà vị học giả này lưu ý là tại sao không thấy các slogan in vào vé tham quan Hội An hay Mỹ Sơn, hoặc cả vé máy bay, rằng tại sao khách không đầu tư vào Quảng Nam, vào Chu Lai chẳng hạn! Du lịch hưởng lợi từ các thành tựu đồng thời quay lại quảng bá cho cả nền kinh tế. Singapore và Dubai đã làm như vậy.
Chuyên gia marketing đến từ Harvard, bà Rebecca J. Orde, thì cụ thể hơn: "Tôi đến Hội An và Mỹ Sơn lần đầu. Kiến trúc đẹp, món ăn ngon và tôi nhất định sẽ may một bộ quần áo bằng lụa rất nổi tiếng ở đây". Bà nhấn mạnh rằng làm du lịch cần chiến lược phát triển khách tiềm năng và phân biệt nguồn khách không tiềm năng như du khách ba-lô, thường ở rất lâu mà chẳng chi tiêu đồng nào.
Rõ ràng, cách tiếp cận như vừa mô tả đã ẩn chứa một "concept mới về du lịch" được nhìn từ bên ngoài.
Bình luận (0)