Mặc dù nhận được nhiều ý kiến phản đối từ chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong một năm qua nhưng nguồn tin từ cơ quan quản lý thuế cho hay có khả năng dự thảo mới nhất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vẫn giữ nguyên đề xuất áp thuế TTĐB lên nước ngọt ở mức 10% với lý do: ngăn chặn nguy cơ béo phì.
Cần làm rõ thêm nhiều vấn đề
Đã có nhiều ý kiến phản biện lại lý do này. Thực tế, khi sử dụng đồ uống có đường đã trở thành nhu cầu của người tiêu dùng thì việc áp thuế, đồng nghĩa với tăng giá thành sản phẩm, cũng khó có thể khiến họ "chùn tay" khi mua mặt hàng mình ưa thích. Chưa kể, việc áp thuế mới với nước giải khát có đường sẽ dẫn đến nhiều sản phẩm thay thế ra đời, vừa bảo đảm lách luật vừa phục vụ được nhu cầu tiêu dùng, như đồ uống đường phố, đồ uống pha chế tại nhà hàng, chế phẩm từ sữa...
Nước ngọt đang được bày bán và tiêu thụ phổ biến Ảnh: TẤN THẠNH
Một lý do được xem là thuyết phục hơn để giải thích cho đề xuất này là dưới áp lực thiếu hụt nguồn thu ngân sách, mọi nguồn có thể khai thác đều sẽ được tận dụng. Trong đó, sản phẩm đồ uống có đường với tiềm năng tiêu thụ ngày càng lớn sẽ hứa hẹn đem lại khoản bổ sung cho ngân sách. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế có thể chưa hẳn như kỳ vọng. Bản báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc áp thuế mới đã nêu nhận định: Nếu áp thuế TTĐB 10% đối với nước ngọt và giữ nguyên mức thuế GTGT, GDP giảm khoảng 0,115%, thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,14%, thặng dư sản xuất giảm 0,077% và lao động giảm từ 0,06%-0,08%. Dự luật cũng gây ảnh hưởng đến 9.000 DN vừa và nhỏ trong các lĩnh vực nguyên liệu, bao bì, vận tải…
"Mức tăng thu thuế gián thu tăng thêm cho ngân sách có thể chỉ đạt 1.975 tỉ đồng thay vì 4.550 tỉ đồng như ước tính của cơ quan soạn thảo nếu áp dụng thuế mới" - nghiên cứu của CIEM nêu rõ.
Chuyên gia thuế Chung Thành Tiến đánh giá Bộ Tài chính chưa đánh giá được tác động tiêu cực đối với nền kinh tế khi áp thuế với mặt hàng này. "Không phản đối hoàn toàn nhưng tôi cho rằng cần làm rõ một số câu hỏi. Chẳng hạn, giá bán của sản phẩm bị tác động ở mức bao nhiêu? Thu được thuế này thì mất thuế thu nhập, thuế GTGT và các thuế khác bao nhiêu? Từ đó, lập bài toán hiệu quả cụ thể trước khi quyết định để tránh trường hợp tác dụng ngược" - ông Tiến nói.
Làm thận trọng, bài bản
Cũng theo chuyên gia thuế Chung Thành Tiến, đây là giai đoạn mà Chính phủ đang quyết tâm tạo dựng mọi điều kiện tốt nhất để các DN phát triển. Việc mở rộng đối tượng chịu thuế cần phải làm một cách thận trọng, bài bản để không làm ảnh hưởng đến DN cũng như nền kinh tế nói chung. Cách tốt nhất, theo ông Tiến, là củng cố việc thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát rất lớn như thời gian vừa qua, thay vì tăng thêm đối tượng thu thuế. Đồng thời, Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ các chính sách theo chiều sâu, tránh tình trạng để phục vụ được mục tiêu trong nước lại gây khó khăn cho DN nước ngoài. Điều này không những làm cản trở hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài mà còn đặt Việt Nam vào nguy cơ bị kiện trên thị trường quốc tế.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hơn một lần lưu ý hiện nay, trên thị trường, thị phần chủ yếu của mặt hàng nước ngọt có gaz không cồn thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, ban soạn thảo dự thảo luật cần có giải trình cẩn trọng, đầy đủ, tránh trường hợp khi quy định được áp dụng, Việt Nam có thể phải đối mặt với các cáo buộc phân biệt đối xử từ các đối tác theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. "Mỹ, Canada, EU đã kiện Nhật Bản phân biệt đối xử khi áp dụng các loại thuế trong nước cao hơn với các nhóm rượu có độ cồn ở mức X, trong khi các loại rượu nhóm này lại chủ yếu là rượu nhập khẩu" - đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn chứng.
Bình luận (0)