Chương trình bình ổn thị trường TP HCM (chương trình - PV) luôn kiên trì các giải pháp ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội. Sự lớn mạnh dần của các doanh nghiệp (DN) bên cạnh sự hoàn thiện cơ chế, chính sách triển khai lẫn mục tiêu, giải pháp thực hiện đã nâng chất chương trình.
Tạo quỹ hàng hóa bảo đảm cung cầu thị trường
Tết Nhâm Ngọ 2002, TP HCM giao 45 tỉ đồng cho 2 DN mua lương thực, thực phẩm dự trữ, phục vụ Tết và là khởi đầu cho công tác bình ổn thị trường TP HCM - lúc bấy giờ còn là bình ổn giá. Cột mốc năm 2010 đánh dấu chương trình bắt đầu xã hội hóa, mở rộng quy mô với 13 DN tham gia, chính thức chuyển sang bình ổn thị trường cả năm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), nhớ lại cái gốc vấn đề lúc đó là thành phố cần 1 quỹ hàng hóa để bảo đảm cung cầu trên thị trường. Khi thành phố chưa thực hiện bình ổn thị trường, các DN phân phối chưa mạnh dạn ứng tiền, đầu tư cho sản xuất. Nhà sản xuất thì quan sát thị trường để sản xuất, đến khi thị trường cần thì họ không kịp tổ chức thu mua nguyên liệu, tập trung công nhân…
"Với chương trình bình ổn thị trường, nhà sản xuất được ứng vốn để đầu tư dự trữ hàng Tết. Nhà sản xuất được ký hợp đồng, chốt sản lượng bao tiêu nên yên tâm làm hàng. Nhà sản xuất, nhà phân phối luôn trong tư thế là đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ dù bất kỳ tình huống nào diễn ra trên thị trường" - ông Nguyễn Ngọc Hòa phân tích.
Nói về sự cần thiết của việc triển khai mở rộng chương trình từ năm 2010, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và gắn với đồng ngoại tệ.
Đặc biệt, TP HCM không chỉ cung ứng hàng thiết yếu cho 10 triệu dân thành phố mà còn cung ứng cho nhiều tỉnh, thành khác. "Ý thức được trách nhiệm này, ngoài việc tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, TP HCM rất quan tâm chăm lo an sinh xã hội. Một trong những công cụ để thực hiện mục đích này đó là làm sao bình ổn giá cả, bình ổn thị trường để chăm lo cho người dân" - bà Nguyễn Thị Hồng nêu.
Xuất phát từ mục đích yêu cầu này, công tác bình ổn thị trường được thực hiện cả năm, không chỉ giới hạn ở 8 nhóm mặt hàng thiết yếu mà mở rộng các mặt hàng khác tại địa bàn TP HCM lẫn các tỉnh, thành nên đã tác động, có sức lan tỏa, dẫn dắt giá cả thị trường. Qua đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bình ổn giá cả của nhiều tỉnh, thành khác.
Nguồn hàng thiết yếu đưa vào chương trình luôn được doanh nghiệp kiểm soát chặt, giá bán ngày càng hợp lý hơn
Thay đổi cách làm
11 năm sau cột mốc 2010, đến năm 2021, chương trình đã thu hút được 60 DN tham gia, giá trị bình ổn thị trường đạt đến 17.381 tỉ đồng. Trong năm 2022, bên cạnh 69 DN sản xuất - cung ứng hàng hóa, còn có thêm 10 tổ chức tín dụng tham gia chương trình.
Có thể nói, trải qua thời gian dài, nhu cầu tiêu dùng lẫn danh mục hàng hóa thiết yếu đã ít nhiều thay đổi. Dịch COVID-19 buộc DN có những điều chỉnh phù hợp để có thể bình ổn giá cả hàng hóa. Những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước khiến công tác bình ổn giá trở nên thách thức hơn.
Theo các DN tham gia chương trình, bình ổn thị trường hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà cần có sự tập hợp nhiều ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ngành dịch vụ, tiêu dùng, du lịch... Rổ hàng bình ổn giá đã có những biến động, phân khúc tiêu dùng cũng trở nên đa dạng với sự khác biệt về địa lý, phân khúc khách hàng, khả năng chi trả. Vì vậy, DN phải thay đổi cách làm để phù hợp với bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá qua các năm, các DN tham gia chương trình ngày càng chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn, chủ động điều phối và vận hành chương trình theo tín hiệu thị trường.
Mỗi năm, chương trình đều có những điểm mới và ngày càng phát triển, năm sau mở rộng hơn và đi vào chiều sâu hơn so với năm trước. Chính sự chủ động, trách nhiệm của các DN đã tạo điều kiện cho các sở, ngành có nhiều thời gian tập trung cho các chương trình khác, phối hợp bổ trợ để nâng cao hiệu quả bình ổn thị trường.
Ví dụ, các chương trình hợp tác thương mại, chương trình kết nối cung cầu, sơ chế hàng hóa tại nguồn trong phối hợp với các địa phương để mà tìm ra nguồn nguyên liệu tốt, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu… bảo đảm cho chất lượng hàng hóa trong chương trình ngày càng tốt hơn.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết giai đoạn tới, công tác triển khai chương trình không nằm ngoài mục tiêu "giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các DN, tổ chức xã hội và thị trường hoạt động", bảo đảm nguyên tắc "Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ" mà Đại hội Đảng XIII đã khẳng định.
Bình luận (0)