Ngày 8-7, tại TP HCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức lễ công bố và phát động chương trình "Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn".
Thiếu hụt nghiêm trọng
Theo VITA, cùng với sự phát triển nhanh của ngành du lịch những năm gần đây, ngành khách sạn có tốc độ phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực tăng cao. Tuy nhiên, ngành khách sạn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn nhân sự chất lượng cao. Mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người. Chưa kể việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ cũng là một rào cản đối với nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành du lịch giữa các nước trong khu vực được triển khai.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch VITA, nhìn nhận điểm yếu của ngành du lịch là nhân sự còn thiếu và yếu, năng suất lao động chưa cao. Năng suất lao động của Việt Nam thua một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… dẫn đến hiệu quả, chất lượng dịch vụ, tiền lương của người lao động đều thấp.
Du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh về cơ sở vật chất, hàng loạt khách sạn 5 sao, resort cao cấp mọc lên tại các thành phố lớn. Hiện nay, hệ thống khách sạn ở Việt Nam có hơn 120 khách sạn 5 sao, 270 khách sạn 4 sao, khoảng 500 khách sạn 1-3 sao với gần 35.000 buồng, phòng. Trong lĩnh vực khách sạn, gần đây Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường phát triển bậc nhất tại khu vực châu Á. Môi trường năng động, cơ hội làm việc tại các tập đoàn lớn và thu nhập cao là những lý do khiến ngành khách sạn hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ, kể cả những người đã tốt nghiệp hoặc đang làm việc trong những lĩnh vực khác.
Tuy vậy, theo GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, trở ngại lớn là chúng ta thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Dù các khách sạn đã cố gắng thu hút, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp, nhân viên buồng phòng song vẫn gặp khó về nguồn nhân lực. "Mỗi năm, các trường ĐH tại Việt Nam tiếp nhận và đào tạo hàng chục ngàn cử nhân nhưng chỉ 1/3 trong số đó đáp ứng được những tiêu chí mà ngành đề ra. Tính đến nay, số lượng lao động lĩnh vực khách sạn - lữ hành mới chỉ chiếm 2,5% tổng lao động cả nước, trong khi quy mô ngành cần nhiều hơn thế" - GS-TS Đào Mạnh Hùng nêu trực trạng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Trung Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Imperial, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư nghiêm túc về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thuê các chuyên gia nước ngoài và nhiều nhân sự cao cấp để vận hành, đào tạo phát triển nguồn nhân lực địa phương… Nhưng nhiều thời điểm, doanh nghiệp cũng bị áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực cấp cao. Nhiều khách sạn cao cấp khác cũng vậy.
Để nâng cao vị thế cho ngành du lịch, khâu đầu tư nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kêu gọi sự hưởng ứng, đồng hành
Để phát triển ngành du lịch Việt Nam, theo các chuyên gia, bên cạnh phát triển sản phẩm thì đầu tư vào nguồn nhân lực là rất quan trọng. Điều này góp phần tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch, đặc biệt là giai đoạn ngành du lịch phục hồi sau dịch Covid-19.
Để triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chỉ thị 24/CT-Ttg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, VITA đã xây dựng chương trình "Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn Việt Nam" và kêu gọi sự hưởng ứng, đồng hành của cơ sở đào tạo, khách sạn và hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết sẽ thông qua việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngắn hạn đạt chuẩn quốc tế để làm giải pháp ứng cứu, chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động đã tốt nghiệp ĐH, CĐ… chưa có việc làm hoặc việc làm không phù hợp, chuyển đổi để bù đắp cho nhu cầu thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng quốc tế từ các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao.
"Việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là giải pháp hiệu quả nhất giải quyết căn cơ thiếu hụt nguồn nhân lực, các khách sạn nhanh nhất có nhân sự đủ kỹ năng làm việc và quản trị theo quy trình… Từ đó xây dựng bộ khung bền vững cho hệ thống quản trị bảo đảm chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam" - ông Thọ nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khẳng định tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực là một hướng ưu tiên trong quản lý nhà nước. Bởi đào tạo nguồn nhân lực là quá trình liên tục để người lao động có thể thích ứng và chuyển đổi, đặc biệt trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ASEAN trong giai đoạn tới.
Cạnh tranh không lành mạnh
Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, nhận định tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" trong lĩnh vực khách sạn, nhất là các bộ phận buồng phòng, lễ tân ngày càng nghiêm trọng. Cứ khách sạn mới mọc lên là có tình trạng xáo trộn, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh tạo khó khăn trong quản lý nguồn lao động.
Hiện cả nước có trên 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, nhưng số lượng khách sạn 4-5 sao không nhiều mà chủ yếu là các khách sạn 1-3 sao. Do đó, theo bà Hồng, việc đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho phân khúc này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và ngành du lịch phát triển hiện nay.
Bình luận (0)