Đến chiều 29-7, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trên địa bàn TP HCM tiếp tục "kêu" vì trong ngày, nhiều shipper giao hàng cho siêu thị, cửa hàng đã không qua được các chốt kiểm soát, phải chở hàng trở về.
Còn nhiều trục trặc
Đại diện một hệ thống siêu thị lớn cho hay ngày 27 và 28-7, nhiều shipper giao hàng đến các khu cách ly, khu phong tỏa hoặc bệnh viện dã chiến gặp khó khăn trong việc di chuyển liên quận, huyện, TP Thủ Đức. "Đến chiều 28-7, UBND thành phố ra văn bản chỉ đạo, cho phép shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 được phép di chuyển liên quận nên DN lẫn tài xế đều giao hàng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng hôm nay, chúng tôi tiếp tục đau đầu vì nhiều shipper vẫn không đi được do cơ quan chức năng chưa cấp nhận diện" - đại diện này thông tin.
Xe chở hàng hóa, nông sản cho các điểm bán hàng thiết yếu ở TP HCM .Ảnh: NGỌC ÁNH
Với lượng đơn hàng online tăng gấp nhiều lần trong hơn 1 tháng nay, ngoài lực lượng nhân viên nội bộ, DN bán lẻ nào cũng phải hợp đồng với các đơn vị giao nhận chuyên nghiệp hoạt động thông qua ứng dụng công nghệ hoặc đơn vị khác để giao hàng; thậm chí có DN khoán hẳn việc giao hàng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không cấp nhận diện cho shipper của bên thứ ba khiến đơn hàng bị dồn ứ.
"Việc giao nhận hàng hóa đang trở thành thách thức quá lớn đối với DN bán lẻ trong lúc này, chúng tôi không có cách nào để tháo gỡ ngoài việc tiếp tục cầu cứu các cơ quan chức năng hỗ trợ" - đại diện một hệ thống siêu thị bày tỏ.
Anh Trương Văn Thắng, shipper của một ứng dụng gọi xe lớn, cho biết ngày 28-7, anh bị lực lượng chức năng lập biên bản do đi giao thịt bò nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ "giống như các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi", dù anh có đủ giấy tờ cần thiết khác, xuất trình được app và bảo đảm đủ nhận diện.
"Một số cửa hàng bán lẻ thực phẩm trên ứng dụng thường không in hóa đơn giống các siêu thị lớn. Shipper nhận đơn hàng trên ứng dụng và tiến hành mua hộ, thanh toán… dựa trên số tiền hiển thị trên app. Giờ đòi hóa đơn thì khó cho chúng tôi quá" - anh Thắng than thở.
Theo ghi nhận chung của phóng viên, hoạt động đặt hàng và giao hàng online trong ngày 29-7 vẫn chưa thuận tiện. Nhiều người phản ánh suốt cả ngày không thể đặt mua thực phẩm thiết yếu trên ứng dụng Grab được do cửa hàng quá tải, không tìm được tài xế…
Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các đơn hàng thiết yếu như sữa, gạo… được bên bán hàng và giao nhận cài đặt thời gian giao hàng rất dài, lên tới 15-20 ngày. "Nhiều người bán hàng có thể ở khu cách ly, phong tỏa nhưng vẫn muốn nhận đơn hàng nên đã cài thời gian rất dài, cho đến khi họ có thể giao được.
Hoặc, địa chỉ của người mua nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly… cũng khiến thời gian giao hàng bị kéo dài. Việc cung ứng, vận chuyển bị đình trệ cũng là nguyên nhân khiến việc giao hàng lúc này khó nhanh chóng, thông suốt" - đại diện một sàn TMĐT giải thích.
Ưu tiên tốt nhất cho shipper hoạt động
Để tháo gỡ vướng mắc, Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết đã có có văn bản gửi các sở Công Thương TP HCM, Hà Nội và các tỉnh, TP khác về việc duy trì phương thức giao nhận TMĐT và nghiên cứu tổ chức điểm tập kết hàng hóa TMĐT.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, nhận xét thời gian qua, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa TMĐT hoạt động đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, buộc người dân phải đến siêu thị, chợ truyền thống gia tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cao ở khu vực công cộng. Tại TP HCM, hình thức mua hàng theo phiếu phát mới giải tỏa được phần nào áp lực nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
Với tình huống TP HCM và Hà Nội có thể còn kéo dài việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để đáp ứng nhu cầu người dân một cách đầy đủ nhất, khôi phục chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa và giảm áp lực cho các hệ thống phân phối truyền thống, cục này đề nghị các sở Công Thương ngoài việc đăng ký danh sách tài xế, xây dựng hệ thống nhận diện cần nghiên cứu tổ chức "điểm tập kết hàng" giao nhận ngay tại khu cách ly tập trung, khu dân cư bị phong tỏa. Theo đó, hàng hóa đặt mua qua TMĐT được giao và nhận tại điểm tập kết không cùng thời điểm và thanh toán không dùng tiền mặt để bảo đảm không tiếp xúc.
Cùng ngày, tại diễn đàn "Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng chống Covid-19" được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo hình thức trực tuyến, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, nêu thực tế nông sản "tràn đồng" còn người tiêu dùng thì khó tiếp cận bởi ách tắc ở khâu lưu thông.
"Sức mua của người tiêu dùng đang rất hạn chế do họ thiếu chỗ để mua, các cửa hàng phải giãn cách nên phục vụ có giới hạn. Chúng tôi có sáng kiến kết hợp với các hội phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ… để các tổ chức đoàn thể này trở thành cánh tay nối dài cho cửa hàng dưới hình thức "mua chung", "mua hộ" nhằm giảm áp lực cho các cửa hàng và hỗ trợ người dân mua sắm. Tôi cũng đề nghị nông dân khi thu hoạch đóng gói phải chia nhỏ đề phù hợp bán tại các cửa hàng thay vì đóng gói lớn như đưa về chợ đầu mối trước đây" - bà Hà lưu ý.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cũng chia sẻ khó khăn nhất của chuỗi bán lẻ hiện nay khâu vận chuyển hàng hóa. "Các siêu thị tại TP HCM có than khó về việc shipper không được vận chuyển liên quận nhưng chúng tôi động viên các họ nên hướng khách hàng ở quận nào thì mua hàng ở siêu thị quận đó để hạn chế đi lại. Ngoài ra, khi siêu thị có ca F0 đến mua sắm thì thời gian được mở lại khá lâu (khoảng 1 tuần) nên chúng tôi mong muốn được mở lại sau 24-72 giờ khi đã làm xong các biện pháp phòng chống dịch" - bà Hậu kiến nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cũng thống nhất đề xuất duy trì đội ngũ shipper, để bảo đảm "hậu cần" khi người dân ở nhà chống dịch. "Các shipper có sự kiểm soát từ DN, có sự quản lý và đáp ứng các điều kiện về phòng chống dịch cần được ưu tiên hoạt động cũng như tiếp cận vắc-xin để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng" - Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc, và nhiều DN khác cũng đề nghị việc tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên chuỗi cung ứng thực phẩm cần nhanh chóng hơn, thay vì phải đến bệnh viện chờ đợi quá lâu.
Từ 30-7, không kiểm tra xe chở hàng có mã QR
Trong công văn hỏa tốc ngày 29-7 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, TP, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Văn phòng Chính phủ nêu rõ để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá trong tình hình dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 30-7 không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có mã QR còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp để vận chuyển hàng hóa (trừ hàng cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Trường hợp không có giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn, sẽ thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.
Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh, TP chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn.
Đề xuất đáng chú ý đối với shipper
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, chính quyền không nên cấm, hạn chế hoạt động của shipper mà có thể quy định các điều kiện để việc giao nhận hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội được thông suốt.
Cụ thể, các shipper cần đáp ứng 6 điều kiện, như chỉ được vận chuyển hàng hóa thiết yếu (theo danh mục ban hành) và cần có mã số định danh (dạng QR code như một số địa phương đang làm) và luôn đeo thẻ nhận diện. Đặc biệt, shipper bắt buộc phải cài Bluezone để có thể truy soát lộ trình đi lại và đối tượng nguy cơ lây nhiễm, cần nghiêm túc thực hiện quy định 5K, nhất là khi giao hàng cho người dân cần luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...
Đồng thời, trong quá trình hoạt động cần áp dụng triệt để thanh toán không dùng tiền mặt. "Cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho đối tượng này, coi đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Nếu cấm hoặc hạn chế shipper, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; làm chậm quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa - dịch vụ; tăng chi phí vận chuyển, chi phí sinh hoạt cho người dân và DN. Có shipper cũng sẽ giảm thiểu tình trạng tụ tập, mua bán, trao đổi đông đúc của người dân, khó bảo đảm giãn cách phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu" - TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Theo chuyên gia này, việc cho phép shipper hoạt động trong giãn cách xã hội có thể khiến một số cơ quan quản lý vất vả hơn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được rủi ro.
Bình luận (0)