Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 1,42%. Trong bối cảnh khó khăn đó, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để Việt Nam phục hồi sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.
Xuất siêu trở lại trong tháng 9
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với cùng kỳ năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỉ USD - tăng 24,4%. Đáng chú ý, xuất siêu đã trở lại trong tháng 9 với 0,5 tỉ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 240,52 tỉ USD, tăng 18,8%.
Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt 20,1 tỉ USD, tăng 10,8%. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu cá tra đạt 994,2 triệu USD, tăng 8,8%.
Đối với mặt hàng tôm, sau khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm tối đa công suất để thực hiện "3 tại chỗ" nên có sự sụt giảm. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó nên lũy kế 8 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường vẫn tăng 6,5%, đạt 2,5 tỉ USD.
Ngành dệt may nỗ lực để xuất khẩu đạt kết quả tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn. Ảnh: MINH PHONG
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 29 tỉ USD, tăng 13,2%. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS, nhìn nhận kết quả 9 tháng qua của ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020 và gần bằng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2019.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh, đây là thời gian doanh nghiệp (DN) dệt may trải qua các bước thăng trầm rõ rệt. 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội khiến các DN gặp không ít khó khăn. Nhiều DN cố gắng bố trí sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10%-30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với trước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như nỗ lực để duy trì sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhịp độ sản xuất và xuất khẩu ở khu vực miền Bắc và miền Trung với những trung tâm xuất khẩu rất lớn như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên đã được duy trì. Việc quyết tâm bảo đảm lưu thông hàng hóa ở các khâu cũng là yếu tố tác động đến kết quả xuất khẩu; các vấn đề ách tắc đã sớm được giải quyết, gỡ bỏ.
Cơ hội "vàng" cuối năm
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cuối năm luôn được đánh giá là thời điểm "vàng" để gia tăng xuất khẩu do nhu cầu của thị trường rất cao. Nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng trong các dịp lễ lớn cuối năm ở các nước là yếu tố quan trọng để xuất khẩu có thể bật tăng.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng bên cạnh yếu tố kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, các DN trong nước cần tận dụng cơ hội của thị trường trong các tháng cuối năm để bù đắp những hao hụt về xuất khẩu trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã và đang được hưởng nhiều thuận lợi, ưu đãi từ các FTA. Đây là nền tảng vững chắc để chúng ta phát triển xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhắc đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đã ghi nhận sự tăng trưởng khá. Những tháng cuối năm, nhu cầu từ các thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là Mỹ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, phục vụ các dịp lễ lớn cuối năm.
VITAS nhận định với diễn biến dịch bệnh hiện nay, dự báo 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian khó khăn đối với ngành. Mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2021 đạt 39 tỉ USD sẽ rất khó khăn. Hiệp hội đã tính toán 3 kịch bản, trong đó kịch bản tích cực nhất là Việt Nam khống chế được dịch bệnh, trở lại trạng thái "bình thường mới" từ đầu tháng 10-2021, dự báo xuất khẩu sẽ đạt khoảng 37,5 - 38 tỉ USD.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu ngay sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Nam Á, Đông Á bên cạnh việc duy trì xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đàm phán để phát triển những thị trường khu vực xa hơn, yêu cầu cao hơn và tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỉ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 207,5 tỉ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 69,8 tỉ USD, tăng 27,5%; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Bình luận (0)