Trong khi gần đây, người dân và nhà bán lẻ ở các TP lớn như TP HCM, Hà Nội mới chú ý đến những sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế nhựa, ni-lông thì nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã ý thức được việc này khá sớm.
Gói rau, cá bằng lá chuối
Từ một mô hình nuôi trồng còn khá mới mẻ, anh Nguyễn Tiến Thành đã hoàn thiện toàn bộ quy trình và cho ra mắt Trang trại Đồng Tháp Aqua (aquaponics) thuộc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Cùng với đó, anh mở rộng thêm 2 nhà lưới, nâng tổng diện tích canh tác hơn 4.000 m2 với toàn bộ hệ thống nuôi trồng hiện đại, thân thiện môi trường.
Theo anh Thành, aquaponics là phương pháp sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Hệ thống thủy canh này là biện pháp canh tác không dùng đất, bộ rễ cây trồng được nuôi dưỡng phát triển trong nước có bổ sung các thành phần dinh dưỡng thiết yếu. Sự khác biệt giữa phương pháp canh tác thổ canh (trồng trong đất) và thủy canh là hệ thống này không có sự tham gia của các vi sinh vật phân giải như trong đất. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, aquaponics sử dụng chất thải từ cá, nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi bị bay hơi. Đây là một hệ thống tuần hoàn khép kín hoàn hảo.
Anh Nguyễn Tiến Thành gói rau, củ bằng lá chuối, giúp hạn chế sử dụng túi ni-lông
Không dừng lại ở việc sản xuất sạch, thời gian qua, anh Thành còn chú trọng gói các loại rau củ quả bằng lá chuối thay vì bằng bao bì ni-lông. Các kệ đựng rau củ quả của cửa hàng - như dưa leo, cải, súp-lơ… - đều được chủ nhân bó bằng lá chuối như thói quen của người xưa tại các chợ dân dã ở vùng quê. Phần lớn những sản phẩm tại cửa hàng của anh Thành đều từ các nông trại hữu cơ có chứng nhận về chất lượng.
Khi được hỏi về ý tưởng sử dụng loại vật liệu thân thiện này, anh Thành bày tỏ: "Lá chuối là loại bao bì rất quen thuộc, được sử dụng từ bao đời nay. Ban đầu, việc gói lá chuối cho khách hàng mua rau, củ cũng gây sự khó chịu. Dần dà, khách hàng đều gật đầu đồng ý bởi đã hiểu được dụng ý tốt của cửa hàng. Nhiều bà nội trợ đến cửa hàng thậm chí còn xách giỏ cói, thay vì bỏ vào bao ni-lông như trước. Điều mình vui nhất là không chỉ người nước ngoài mà rất nhiều bà nội trợ rất "ưng cái bụng" khi thấy gói sản phẩm bằng lá chuối, họ tìm đến cửa hàng mua càng nhiều. Bản thân mình thấy vui trọn vẹn khi kinh doanh nhưng không làm tổn hại đến môi trường".
Với bước khởi đầu thành công, rau, cá từ Trang trại Đồng Tháp Aqua sản xuất bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu, thậm chí khách phải đặt hàng. Từ thành công này, anh Thành sẽ tiếp tục bắt tay phát triển mô hình trang trại theo nhiều tiêu chuẩn với mong muốn khép kín quy trình. Việc cho ra các sản phẩm chất lượng đã mang lại hiệu quả tốt khi rau, cá của mô hình bán được giá cao hơn khoảng 30% so với sản phẩm cùng loại, thu nhập mang lại khoảng hơn 3 tỉ đồng/năm.
Thay thế nhựa bằng cây cỏ, bột gạo
Trong khi đó, chị Huỳnh Như Trúc - chủ cửa hàng Handy House (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), một người khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế hoa giấy nghệ thuật và các sản phẩm thủ công - lại có ý tưởng thay thế những sản phẩm nhựa bằng chất liệu thân thiện với môi trường.
Thời gian gần đây, chị Trúc cho ra mắt các sản phẩm thời trang, đồ dùng thân thiện với môi trường như balô, túi xách... được thiết kế từ nguyên liệu xuất xứ từ cây cỏ. Điều quan trọng là các chất liệu này dễ dàng phân hủy trong môi trường tự nhiên. Khi thiết kế, chị Trúc còn có ý tưởng đưa các loại trái cây đặc sản của quê hương Đồng Tháp vào sản phẩm như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, mận Hòa An. Các hình ảnh được chị vẽ tỉ mỉ bằng một loại sơn đặc biệt thân thiện với môi trường.
Ngoài bộ sưu tập các sản phẩm túi thời trang thân thiện với môi trường, chị Trúc đang hoàn thiện những loại túi phục vụ giới nội trợ sử dụng khi mua sắm nhằm hạn chế dùng bao bì ni-lông. Một thực tế gần như trở thành thói quen khó bỏ tại các chợ là đối với những sản phẩm tươi sống như cá, thịt, người bán thường đưa cho người mua 2 chiếc túi để tránh gây bẩn các sản phẩm khác. Thói quen này vô tình làm cho lượng ni-lông thải ra môi trường ngày một nhiều hơn.
Khi được hỏi về ý tưởng nêu trên, chị Huỳnh Như Trúc cho biết: "Mỗi tháng, tôi cung ứng khoảng 1.500 - 2.000 sản phẩm ra thị trường. Tuy số lượng còn ít nhưng tôi sẽ cố gắng mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác".
Cùng có ý tưởng thay thế những sản phẩm nhựa bằng chất liệu thân thiện với môi trường, ông Võ Minh Khang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), đã sáng chế ống hút làm từ bột gạo. Sản phẩm này thời gian gần đây được rất nhiều người biết đến và thị trường đón nhận hết sức tích cực.
Ông Võ Minh Khang vốn là người theo ngành kỹ thuật. Qua nhiều lần đi thực tế ở các nước, thấy những quốc gia phát triển không còn chuộng ống hút nhựa vì gây ô nhiễm, ông về nước nghiên cứu, sản xuất loại ống hút bột gạo thân thiện với môi trường.
Bột gạo là nguyên liệu được ông Khang ưu tiên lựa chọn bởi dễ làm ra nhiều sản phẩm. Hơn nữa, nhà máy của ông đặt tại Sa Đéc, nơi có làng bột truyền thống trăm tuổi với nguồn nguyên liệu dồi dào. Điều này khiến ông càng mặn mà với ý tưởng ống hút bột.
"Tôi muốn làm ra những chiếc ống hút sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe nên phải tìm cách tự xử lý trên nền bột thô, gồm 80% bột gạo, còn lại là bột mì, bột năng. Màu sắc của ống hút được chiết xuất từ rau, củ, quả. Ống hút bột bảo quản tránh ánh nắng, trong môi trường bình thường thì sử dụng được 18 tháng. Khi sử dụng thì giữ nguyên dạng trong môi trường nước lạnh tối thiểu 30 phút và tối đa 2 giờ" - ông Khang cho biết.
Bình luận (0)