Đại diện một DN Nhật trồng rau sạch xuất khẩu ở Đà Lạt cho biết nông trường của họ sử dụng thuốc nông nghiệp cho rau và hoa quả theo tiêu chuẩn Nhật nhưng bị nông trường trồng hoa cúc bên cạnh dùng thuốc nông nghiệp tác dụng mạnh (quy định thuốc nông nghiệp dùng cho hoa nới lỏng hơn so với rau và hoa quả - PV) phát tán sang. Hậu quả, một số côn trùng kháng thuốc nông nghiệp tác dụng mạnh thâm nhập nông trường rau và hoa quả, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Ông Trần Duy Minh - Trưởng Phòng Thanh tra, pháp chế Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhìn nhận rất khó tránh tình trạng phát tán thuốc bảo vệ thực vật do đặc thù nông nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, hộ nông dân trồng các loại rau quả khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, ông Minh ủng hộ cơ chế phối hợp giữa DN Nhật, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý.
Nhiều DN Nhật đầu tư vào chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại Việt Nam cho biết hầu hết hàng hóa thực phẩm và phi thực phẩm đều được đóng gói, bảo đảm hàng hóa đặt cạnh nhau cũng không phát sinh vấn đề vệ sinh. Luật liên quan đến vệ sinh thực phẩm của Nhật hiện hành cũng không cấm trưng bày hàng thực phẩm và phi thực phẩm cạnh nhau. Các cửa hàng tiện lợi thường có diện tích nhỏ nên hàng thực phẩm và phi thực phẩm được bày cạnh nhau giúp sử dụng hiệu quả không gian. Trong khi đó, quy định của Bộ Y tế lại nêu rõ “thành phẩm thực phẩm phải được bảo quản trong khu vực, kho riêng”. Dựa vào đây, một số cơ quan quản lý địa phương làm khó DN khi phát hiện hàng thực phẩm và phi thực phẩm đặt cạnh nhau.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khẳng định quy định thành phẩm thực phẩm được bảo quản trong khu vực, kho riêng chỉ áp dụng đối với các kho hàng, không áp dụng cho các cửa hàng tiện lợi, siêu thị.
Theo đại diện Bộ Công Thương, từ ngày 1-7-2016, theo Nghị định 67 của Chính phủ về các điều kiện kinh doanh thực phẩm, không có nội dung nào đề cập quy định để riêng, chung hàng phi thực phẩm và thực phẩm. “DN khi bị làm khó cứ dẫn quy định hiện hành để bảo vệ quyền lợi của mình” - vị đại diện Bộ Công Thương đề nghị.
Theo quy định, các cơ sở kinh doanh hoặc sản xuất thực phẩm phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng để được cấp giấy này, nhân viên trực tiếp kinh doanh và sản xuất tại cơ sở phải được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Theo đó, với cửa hàng tiện lợi, toàn bộ nhân viên bán hàng phải được cấp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm nhưng theo phản ánh của DN Nhật, thời gian tổ chức kiểm tra, sát hạch từ 3-6 tháng là quá lâu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cản trở việc mở cửa hàng mới...
Bình luận (0)