Kể câu chuyện một số nhà máy sản xuất mì ăn liền lớn tại TP HCM trong thời gian qua rất khốn đốn vì thiếu hành lá cho thành phần hành khô trong gói gia vị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cho biết đã cùng các doanh nghiệp thành viên làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP để tìm hướng giải quyết.
Theo bà Chi, nghịch lý đang xảy ra trong nhiều ngày nay là việc thu mua, vận chuyển hàng hoá nông sản từ các vùng nguyên liệu ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ về TP HCM bị ách tắc vì dịch Covid-19. Đặc biệt, kênh thu mua, phân phối truyền thống gần như đứt gãy hoàn toàn đã gây khó khăn cho người dân lẫn doanh nghiệp lương thực thực phẩm trong việc tiếp nhận, tiêu thụ nguồn nông sản thực phẩm phục vụ tiêu dùng và sản xuất hằng ngày.
"Một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền đã phải thu hẹp sản xuất chỉ vì thiếu hành lá. Trong thành phần công bố có phụ liệu này, nếu tự ý bỏ qua bất kỳ thành phần nào, đến khi cơ quan quản lý phát hiện sẽ bị xử phạt" - bà Chi giải thích lý do doanh nghiệp buộc phải giảm hoặc dừng sản xuất trong trường hợp thiếu nguyên phụ liệu.
Một số nhà máy sản xuất mì ăn liền đã phải giảm sản lượng chỉ vì thiếu hành lá trong thành phần gói gia vị
Theo Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài các nguyên liệu chính thì các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều loại nguyên phụ liệu khác nhau. Hiện nay, việc các nhà cung cấp nguyên liệu dừng hoạt động vì có ca F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào; nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng hóa tiêu dùng lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.
"Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, các doanh nghiệp đề xuất đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia... cơ quan quản lý cho phép họ tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm, đặc biệt sự điều chỉnh này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và chỉ diễn ra tạm thời trong thời gian ngắn" - Hội Lương thực thực phẩm TP HCM kiến nghị.
Lý giải đề xuất này, bà Chi cho biết theo Luật An toàn Thực phẩm và các quy định liên quan thì với những điều chỉnh nói trên, doanh nghiệp cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại. Thông thường, việc này mất khá nhiều thời gian và trong thời điểm này sẽ càng mất nhiều thời gian hơn, nếu in lại bao bì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều phải bỏ sẽ rất lãng phí. Như vậy, nguy cơ các doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất là rất cao.
"Trong bối cảnh hiện nay, rất mong nhận được sự chia sẻ và rất cần các giải pháp xử lý linh động từ chính quyền, do đó đề nghị cho phép được thay thế các thủ tục nói trên bằng cách doanhnghiệp gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản cho các cơ quan nhà nước liên quan và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng" - Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM nêu rõ.
Ngoài kiến nghị này, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp TP đã kiến nghị chính quyền TP HCM hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp thu mua và dự trự tồn kho tăng thêm đối với nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất; thực hiện tiêm văc-xin dứt điểm cho người lao động; hợp tác với các tỉnh, thành duy trì, bảo đảm hoạt động sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu nông sản; tháo gỡ các vướng mắc trong lưu thông, vận tải hàng hoá giữa TP HCM và các tỉnh, thành... nhằm bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân.
Bình luận (0)