Những ngày này, Công ty CP Sài Gòn Food (Sài Gòn Food) vào guồng sản xuất hàng Tết, dự kiến tung ra thị trường hơn 2.000 tấn thành phẩm. "Chúng tôi giới thiệu ra thị trường các combo tiệc Tết, cháo, bộ sản phẩm lẩu và đặc biệt là bánh chưng với nhiều loại nhân khác nhau. Dự kiến, sức tiêu thụ hàng Tết của công ty sẽ tăng 33% so với Tết 2019" - bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, cho biết.
Bên cạnh chiến lược về sản phẩm, công ty còn quyết tâm giữ giá tất cả mặt hàng, bảo đảm không tăng giá dịp Tết và đầu tư nhiều cho khuyến mãi giảm giá để đẩy doanh thu. Mọi kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng doanh thu tại thị trường nội địa, nâng tỉ lệ tiêu thụ nội địa lên ngang bằng xuất khẩu (50% nội địa, 50% xuất khẩu) trong năm 2020. Cùng với chiến lược về thị trường, năm 2018 công ty này đã đầu tư thêm nhà xưởng tại KCN Vĩnh Lộc, TP HCM để tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Một số doanh nghiệp thực phẩm đang đẩy mạnh sản xuất sản phẩm cho thị trường nội địa Ảnh: THANH NHÂN
Sài Gòn Food là một trong nhiều doanh nghiệp (DN) thực phẩm đang có chiến lược phát triển mạnh thị trường nội địa trong vài năm trở lại đây. Mới đây nhất, một DN chuyên xuất khẩu hải sản đóng hộp đã đưa dòng sản phẩm thịt ghẹ ra thị trường nội địa. "Chúng tôi thăm dò nhu cầu thị trường thấy người tiêu dùng rất thích sản phẩm này, sẵn sàng chi trả trên dưới 100.000 đồng để mua 1 hộp thịt ghẹ trọng lượng 150-180 g nên quyết định sản xuất riêng cho khách hàng trong nước. Người tiêu dùng Việt bây giờ rất sành ăn và ăn có chọn lọc, đây là cơ hội cho những DN xuất khẩu quay về" - đại diện DN này chia sẻ.
Thực tế, nhiều DN thực phẩm, nhất là DN chế biến thủy sản, đang nỗ lực định vị thương hiệu tại thị trường nội địa bằng cách phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng mới. Một số DN còn chủ động đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường TP HCM để quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn, tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Agrex Sài Gòn, Công ty XNK An Giang - Angimex, Vĩnh Hoàn, Minh Phú… từ thương hiệu chuyên về xuất khẩu đã trở nên quen thuộc ở thị trường nội địa, có mặt ở hầu hết siêu thị, cửa hàng tiện ích và sạp chợ. Trong đó, Công ty XNK An Giang - Angimex từ doanh thu 5% ở nội địa, 95% xuất khẩu đã tăng dần hiệu quả kinh doanh tại thị trường trong nước.
Theo phó tổng giám đốc một DN chuyên xuất khẩu cá tra, những DN như ông có lợi thế nhất định khi quay về thị trường trong nước, nhất là thương hiệu bởi người tiêu dùng Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và đặt niềm tin vào những sản phẩm có uy tín. Do đó, DN xuất khẩu khi quay về nội địa sẽ được nhiều người tin cậy. Mặc dù vậy, DN đang phải chịu sự cạnh tranh bởi những đối thủ ngoại ngay tại sân nhà.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM về tình hình hoạt động của các DN lương thực - thực phẩm trên địa bàn, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, cho rằng các DN đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc, do hàng rào kỹ thuật với nhiều chính sách mới về thuế, quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch… Tuy nhiên, dự báo tình hình sản xuất sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm do nhiều DN trước đây chỉ tập trung xuất khẩu đã đầu tư phát triển thị trường trong nước với các sản phẩm có thể cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã so với hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
Dù vậy, theo bà Lý Kim Chi, trước mắt, DN sẽ gặp trở ngại khi quay lại thị trường trong nước và cạnh tranh với DN nước ngoài tại chính sân nhà bởi các DN nước ngoài đã nhanh chân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cùng với ưu thế về quy mô, công nghệ, tài chính để đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, DN cần liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong nước, gia tăng giá trị đối với sản phẩm…
Bình luận (0)