Ngày 24-9, tại buổi họp báo giới thiệu Đề án "Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu", ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đã chỉ ra các bất cập, tồn tại của công tác kiểm tra chuyên ngành, từ đó cho thấy cần thiết phải cải cách, đổi mới công tác này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31-12-2019, vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.
Cải cách kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp khoảng gần 38 triệu USD/năm
Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất. Hiện nay, mỗi loại hình kiểm tra lại có trình tự, thủ tục khác nhau được quy định chi tiết tại các Luật chuyên ngành và các Nghị định hướng dẫn.
"Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không thống nhất giữa các Bộ, ngành, không thống nhất giữa Luật và Nghị định hướng dẫn. Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức…"- ông Cẩn chỉ rõ. Đáng chú ý, tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết với vai trò cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp các hiệp hôi, bộ ngành, doanh nghiệp, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án. "Hiện đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Đây là chủ trương lớn, cải cách, tiên tiến, phù hợp các nước tiên tiến"- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay.
Đề án nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết thêm, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) tài trợ đã thực hiện đánh giá tác động của Đề án. Theo đó, đối với DN xuất nhập khẩu, tỉ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%) (giảm từ 158.424 tờ khai (số liệu tờ khai của năm 2019) xuống còn 72.258 tờ khai).
Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng Mô hình mới so với Mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày (giảm từ 3.965.394 ngày xuống còn 1.481.356 ngày).
Do đó, chi phí tiết kiệm được cho DN trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỉ đồng, tương đường 37,8 triệu USD.
Đề án gồm 7 nội dung cải cách lớn:
Giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt; Kiểm tra thông thường; Kiểm tra giảm.
Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra (chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu).
Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp.
Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong Mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.
Bình luận (0)