Hàng loạt thực trạng và giải pháp giúp du lịch Việt cất cánh đã được các đại biểu trong nước và quốc tế thảo luận sôi nổi trong ngày đầu tiên của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 diễn ra trong 2 ngày 5 và 6-12 tại Hà Nội.
Năng lực cạnh tranh chưa cao
Theo thông tin được đưa ra tại diễn đàn, năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế. Đến năm 2017, con số là trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ năm 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần. Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam chỉ xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.
Các khách mời trải nghiệm không gian du lịch Việt Nam tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lê Quang Tùng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), nhận xét: "Du lịch Việt được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng, tính bền vững. Nhiều khách quốc tế đến rồi một đi không trở lại".
Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định: "Tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá". Đồng thời, ông cho biết Chính phủ giao Bộ VH-TT-DL thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, dự kiến tổng thu của toàn ngành du lịch sẽ là 45 tỉ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp. Tuy nhiên, việc triển khai mục tiêu này với phương thức cụ thể ra sao, công tác điều phối du lịch cả nước như thế nào... là vấn đề then chốt cần bàn bạc trong thời gian tới.
Đầu tư mạnh cho hạ tầng, nhất là hàng không
Đánh giá về tiềm năng du lịch Việt Nam, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam, cho biết Hà Nội có 67 khách sạn hạng sang với hơn 10.000 phòng. Năm 2017, Hà Nội đón 4,9 triệu lượt khách quốc tế, gần 19 triệu lượt khách nội địa. Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đây là tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. "Thái Lan mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại. Vì vậy, việc Việt Nam tăng trưởng từ 12,6 triệu lượt năm 2017 lên 16 triệu lượt năm 2018 là tín hiệu khả quan. Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại" - ông Kenneth Atkinson dự báo.
Ông Kenneth Atkinson cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu tố cản trở du lịch Việt Nam như cơ sở hạ tầng, tính bền vững trong du lịch. Cụ thể, trước thực trạng vịnh Hạ Long bị ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền hay Sa Pa gặp một số vấn đề về xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan, ông Kenneth cho rằng Việt Nam cần tập trung cho việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa việc phá vỡ cảnh quan. Đồng thời, giải quyết một số vấn đề như chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường (nguồn khách); xây dựng cụm, tổ hợp, hướng tới tương lai (chân thực hơn, số hóa hơn); tập trung vào chất lượng chứ không chỉ số lượng; tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới. Đặc biệt, ông Kenneth Atkinson cũng chỉ ra các sân bay ở TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc giờ đều quá tải. Trong 7-8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách nhưng điều quan trọng là phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng.
Liên quan đến sự quá tải của các sân bay, ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines, đưa ra giải pháp xã hội hóa hạ tầng sân bay tại Việt Nam. Dẫn chứng những trường hợp làm tốt như Vingroup làm được ôtô chỉ trong thời gian ngắn, ông Nam cho rằng nhà nước cần tin tưởng hơn ở khối tư nhân, để họ tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay, đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này.
Đẩy mạnh số hóa
Dưới góc độ thu hút khách, bà Sandra Leech, Giám đốc Công ty SLC Representation Ltd, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tăng sức cạnh tranh với các quốc gia láng giềng trong việc thu hút du khách bằng việc tăng quỹ marketing để quảng bá mạnh hơn. Bà Sarah dẫn chứng Việt Nam đang dành khoảng 2 triệu USD/năm để thúc đẩy du lịch, trong khi khoản tương đương ở Thái Lan là 100 triệu USD. Theo chuyên gia này, với mỗi đồng đầu tư ra, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể sẽ nhắm vào ai, đối tượng nào, quốc gia gì, thị trường là như thế nào để xác định khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, các lĩnh vực cần phối hợp nhịp nhàng để phát triển, quảng bá ngành du lịch, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành du lịch và ngành truyền thông.
Bà Tuyết Vũ, đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG), cho rằng xu hướng số hóa trong du lịch đang thay đổi ngành này rất mạnh mẽ, các nhà kinh doanh và cơ quan chức năng cần nhanh chóng thay đổi, đòi hỏi ngành du lịch cần biết dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị lên nền tảng số. Đại diện BCG cũng đề nghị Chính phủ cần có chiến lược kỹ thuật số trong du lịch bài bản và đầy đủ để thu hút khách mới và khách quay lại. Các công ty du lịch cần xem xét lại hành trình kỹ thuật số của du khách và có các quan hệ đối tác phù hợp với các công ty công nghệ.
Ngoài ra, theo các đại biểu, Việt Nam cần đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa và thiên nhiên quý giá trên toàn quốc.
Tách bạch quản lý và quảng bá
Dựa trên kinh nghiệm tư vấn cho chính phủ nhiều quốc gia, ông John Lindquist, chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của BCG, đề nghị Tổng cục Du lịch nên tách riêng chức năng quản lý và quảng bá du lịch để không có xung đột lợi ích. Chính phủ cũng cần quy định rõ ràng về vai trò của hai đơn vị này. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của khu vực công - tư để bảo đảm phát triển thành công. Ngân sách chủ yếu từ Chính phủ nhưng tư nhân cũng có thể tham gia vào quá trình này.
Bình luận (0)