Với lợi thế về khí hậu, địa hình, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, Lâm Đồng đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, đặc biệt là các danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch. Trong thời gian qua, ngành du lịch Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các hoạt động đầu tư, khai thác kinh doanh du lịch và bảo vệ di tích. Tuy nhiên, ngành du lịch địa phương này còn rất nhiều điều phải làm để có thể khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế vốn có của mình.
Chỉ tận dụng lợi thế có sẵn
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng, vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức; môi trường du lịch chưa được cải thiện phù hợp; công tác vệ sinh trên các tour, tuyến du lịch và nạn chèo kéo, chèn ép du khách còn phức tạp... đang khiến môi trường du lịch thiếu an toàn.
Hiện nay, Lâm Đồng mới chỉ có 5 danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch đã được phê duyệt quy hoạch. Công tác lập quy hoạch chưa được chủ đầu tư quan tâm thực hiện. Rất ít dự án có quy hoạch tổng thể chung, hầu hết là đầu tư theo phương án kinh doanh rất sơ sài hoặc tiến hành các thủ tục đầu tư không đúng theo quy trình.
Nhiều khu, điểm du lịch được giao diện tích theo quy hoạch rất lớn nhưng thực tế khai thác và quản lý lại rất nhỏ do bị lấn chiếm làm nhà ở hoặc sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: Khu Du lịch (KDL) thác Cam Ly được giao 37,57 ha nhưng chỉ khai thác 2,6 ha; KDL thác Voi được giao 58,3 ha, thực tế chỉ quản lý 1 ha; KDL hồ Than Thở được quy hoạch 118 ha, bị lấn chiếm chỉ còn 39 ha...
Diện tích thực tế bị thu hẹp so với diện tích được giao đã ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện các dự án du lịch, trước hết là không thể hoàn thiện quy hoạch tổng thể. Nhiều khu, điểm du lịch không tiến hành đầu tư nâng cấp, gây lãng phí nguồn tài nguyên du lịch và ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của địa phương.
Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi nhiều dự án chậm triển khai, như: KDL thác Gougah (huyện Đức Trọng); KDL Bobla, KDL Liliang (huyện Di Linh)...
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tại nhiều khu, điểm du lịch đã để xảy ra tình trạng bán hàng rong, hàng lưu niệm, chèo kéo du khách như KDL thác Prenn, KDL Thung Lũng Tình Yêu…, gây mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Tính đến nay, các khu, điểm du lịch trên địa bàn mới chỉ 26/32 cơ sở có nhà vệ sinh công cộng nhưng hầu hết đang bị xuống cấp trầm trọng.
Phần lớn các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung khai thác cảnh quan thiên nhiên phục vụ tham quan dã ngoại, chưa chú trọng đến công tác tôn tạo, đầu tư tạo sản phẩm mới, dẫn đến tình trạng sản phẩm, dịch vụ du lịch đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn du khách.
Liên kết nhằm tạo sức mạnh
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo chuyên đề do tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhằm tìm hướng đi lâu dài và bền vững cho ngành du lịch địa phương. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng ngành du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ để tạo ra sức mạnh. Nhiều doanh nghiệp du lịch có tâm huyết đã chỉ ra một thực tế là Đà Lạt - Lâm Đồng có thế mạnh về khí hậu và cảnh quan nhưng vẫn không thể giúp địa phương này ghi điểm với du khách.
“Một khi điều kiện hạ tầng còn chưa đáp ứng, dịch vụ du lịch không mới lạ, không đặc sắc, không cạnh tranh được với các điểm du lịch khác trong nước… thì việc giữ chân và thu hút thêm du khách trong nước còn khó khăn, chưa kể đến du khách quốc tế.
Sự bình bình và thiếu đột phá, chỉ tận dụng lợi thế có sẵn sẽ không tạo nên sức mạnh cho Đà Lạt - Lâm Đồng. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp phải cùng ngồi lại để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trên, cần có một chiến lượng cụ thể. Các khu, điểm du lịch phải tạo ra phong cách riêng để khẳng định và thu hút du khách” - đại diện một doanh nghiệp du lịch ở Đà Lạt bày tỏ.
Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn giữ thái độ mạnh ai nấy làm, giá vé tham quan chưa thống nhất…, dẫn đến sản phẩm du lịch kém hấp dẫn, trùng lặp. Tuy nhiên, việc tìm được tiếng nói chung giữa các nhà làm du lịch vẫn chưa thực hiện được.
“Giá vé tham quan tại các khu, điểm du lịch chưa được thống nhất, tạo bất lợi cho các KDL ở xa thành phố, các KDL được đầu tư bài bản sẽ khó cạnh tranh” - ông Văn Tuấn Anh, Giám đốc KDL Làng Cù Lần, nhận định. Theo ông Tuấn Anh, việc tăng giá dịch vụ sẽ tạo cơ hội cho các khu, điểm du lịch có kinh phí nâng cấp, cải tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ du khách được tốt hơn nhưng phải thống nhất. “Để làm được điều này, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà làm du lịch” - ông đề nghị.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia về du lịch cho rằng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo hiệu ứng để thu hút du khách trực tiếp đến với mình, tạo ra những chuyển biến tích cực là việc làm cần thiết nhưng không có nghĩa là đem tất cả về nhà mình mà cần có sự chọn lọc. Nếu là liên kết thì sản phẩm càng phải chọn lọc để tránh sự trùng lặp và đơn điệu.
Nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt
Mới đây, tại hội thảo quốc tế “Du lịch Đà Lạt - Tây Nguyên, hội nhập và phát triển” được tổ chức ở tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ VH-TT-DL, đã thẳng thắn nhận định Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung đang sở hữu các nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và rất khác biệt. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của Lâm Đồng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
“Để du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển, cần nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt về giao thông và hạ tầng. Công tác quảng bá, xúc tiến phải được chú trọng; đồng thời phát triển, đầu tư một cách bài bản các sản phẩm du lịch mới. Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng cũng phải liên kết với các điểm đến trong nước và quốc tế để tự quảng bá hình ảnh của mình” - ông Tuấn nêu giải pháp.
Bình luận (0)