Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Lan Anh, Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam (thuộc mạng lưới Endeavor Global) - một mạng lưới toàn cầu hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp (DN) tạo hiệu quả cao thông qua việc lựa chọn, tư vấn và thúc đẩy doanh nhân điều hành các công ty có tác động lớn trên thế giới.
Cơ hội lớn hơn khi "ra đại dương"
Sau khoảng 1 năm có mặt tại Việt Nam, Endeavor đang thực hiện những bước đi đúng như kế hoạch nhưng theo bà Nguyễn Lan Anh, còn rất nhiều việc phải làm trong quá trình hỗ trợ, thúc đẩy DN khởi nghiệp Việt vươn ra, lớn mạnh ở nước ngoài.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2019, có 148 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 353,8 triệu USD, có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 105 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 458,8 triệu USD. Cũng trong quãng thời gian nói trên, có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, nhiều nhất là Úc, Mỹ, Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore…
Bà Nguyễn Lan Anh, CEO Endeavor (thứ ba từ phải qua), cùng các đồng sự Ảnh: lam giang
Tính lũy kế từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 22 tỉ USD cho các lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng và viễn thông. Trong đó, tập trung tại các nước như Lào, Campuchia và Myanmar…
Dưới góc nhìn của người quan sát và theo dõi hoạt động khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, bà Nguyễn Lan Anh cho rằng đang có rất nhiều cơ hội dành cho DN khởi nghiệp, không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài. Tư duy mới mẻ lúc này là DN cần mở rộng tầm nhìn ngoài Việt Nam, khởi nghiệp bằng sản phẩm, dịch vụ không chỉ cho thị trường trong nước mà cả khu vực hay thậm chí vươn tầm quốc tế. "Đây là việc cần phải làm, cần phải quan tâm, bởi thị trường bây giờ đã rất mở" - bà Nguyễn Lan Anh đúc kết.
Từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng thì ngày càng nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta nhiều hơn. Chỉ tính riêng Đông Nam Á, hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với quy mô hơn 600 triệu dân được gỡ bỏ rào cản về pháp lý, thuế suất, lao động luân chuyển tự do… là cơ hội cực lớn cho DN khởi nghiệp với tầm nhìn khu vực.
Dẫn chứng điều này, như trong lĩnh vực công nghệ, rất nhiều công ty trong khu vực đã, đang hoạt động và không ngừng mở rộng thị trường ở Việt Nam như Grab, Go-Jek…, DN Việt không thể đứng ngoài hoặc chỉ chăm bẵm vào thị trường nội địa như trước.
"Dù quy mô thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vốn rất hấp dẫn và đầy cơ hội nhưng khi DN chỉ tập trung vào nội địa thì đã vô tình bỏ lỡ cơ hội đồng thời có thể mở rộng ra nước ngoài. Nghĩ khác là cách để tạo ra sự thay đổi" - bà Nguyễn Lan Anh nhìn nhận.
Đi trước và thành công
Lâu nay, nhắc đến việc "đem chuông đi đánh xứ người", DN Việt đã có hiệu quả nhất định trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu, năng lượng, viễn thông… nhưng chủ yếu là DN lớn và tập trung ở một vài thị trường nhất định. Cơ hội giờ là rất lớn, khi chính sách thị trường đã rất mở, đầu tư ra nước ngoài không gặp nhiều rào cản.
Endeavor luôn có nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài
Và sự phổ biến của công nghệ đang là cánh cửa mở ra cơ hội rất nhiều cho DN khởi nghiệp của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, ngay lập tức giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài.
Trong mạng lưới của Endeavor trên toàn cầu, hiện có sự tham gia của hơn 2.000 DN lớn. Tại Việt Nam, có khá nhiều công ty công nghệ của Việt Nam đã bước chân ra nước ngoài và thành công bước đầu. Như VNG đã mở văn phòng ở Myanmar và một số thị trường xung quanh; Ecomobi là một start-up trong lĩnh vực công nghệ đang mở rộng cực nhanh sang Thái Lan, Philippines hay một công ty khởi nghiệp khác là Lefair - sàn thương mại điện tử đang nhận được sự hỗ trợ của Endeavor Việt Nam trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Philippines và định hướng là công ty khu vực chứ không chỉ Việt Nam…
Đừng chậm và tự bó chân mình!
"DN không nhất thiết phải bắt đầu ở thị trường Việt Nam nếu cảm thấy mô hình có thể phát triển mạnh ở khu vực. Như một số lĩnh vực blockchain, business intelligence (phân tích số liệu và quản trị DN) là những mô hình mới chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, trong khi đó lại đang rất phổ biến ở nước ngoài" - CEO Endeavor Vietnam chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Lan Anh, bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào sử dụng công nghệ để tạo ra sự đột phá đều có khả năng mở rộng ra khỏi thị trường Việt Nam. Công nghệ là con đường nhanh nhất để vươn ra thị trường ngoại. Dĩ nhiên vẫn có những DN thuộc lĩnh vực truyền thống như bán lẻ, nông nghiệp, hàng không... theo thời gian trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường và mở rộng chinh phục các thị trường khác. Nhưng họ mất hàng chục năm trời để làm việc đó. Trong khi đó, bằng công nghệ, các DN có thể rút ngắn con đường này.
Có điều, dù khởi điểm ở đâu cũng cần lưu ý, đó phải là thị trường bạn hiểu nhất, thấy thoải mái nhất, có điều kiện phù hợp nhất với mô hình sản phẩm, dịch vụ. Một điểm chung nổi bật là các DN ở Đông Nam Á thường đặt trụ sở tại Singapore - vốn là trung tâm của khu vực và các chính sách như thuế ưu đãi hơn ở Việt Nam. Trong bối cảnh này, DN sẽ gặp khó khăn, rào cản, cần sự hỗ trợ của nhà nước. Cách nhà nước hỗ trợ tốt nhất là làm cho các quy định, pháp lý thật rõ ràng, để không còn rào cản.
Với những tổ chức như Endeavor, bằng mạng lưới rộng lớn trên toàn cầu, họ có thể hỗ trợ các DN, dù để trở thành thành viên của mạng lưới cần có những điều kiện nhất định (như là nhắm đến các công ty đang trong giai đoạn mở rộng quy mô thị trường chứ không phải là những DN khởi nghiệp giai đoạn đầu).
Ví dụ một số thương hiệu đã được chọn vào mạng lưới Endeavor toàn cầu như The Coffee House, Topica, Giao hàng nhanh… sẽ được các doanh nhân thành đạt, giàu kinh nghiệm trong nước và cả nước ngoài hỗ trợ. Các doanh nhân này sẽ ngồi lại xem những thách thức DN đang gặp phải, giúp họ lời khuyên, xử lý thách thức gặp phải trong quá trình phát triển. Nếu DN đang gọi vốn đầu tư, Endeavor sẽ giúp liên kết với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư gọi vốn và thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán.
Thị trường nào cũng có cơ hội và rủi ro, nếu DN chỉ tập trung vào thị trường trong nước thì sẽ mất cơ hội ở nước ngoài. Các mô hình kinh doanh mới xuất hiện liên tục khiến vòng đời của một DN ngắn lại và dễ dàng bị loại bỏ khỏi thị trường nếu không bắt kịp các xu hướng mới.
Bình luận (0)