Quan sát trên thị trường trong khoảng 3-4 ngày trở lại đây, có thể thấy giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại TP HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, xu hướng giảm nhiệt thị trường thể hiện rõ kể từ ngày 19-7 tới nay. Đến ngày 20-7, các siêu thị, cửa hàng đã trở lại tình trạng ế ẩm dù hàng hóa chất đầy quầy kệ.
Không còn tâm lý "mua cho bằng được"
Tại một số chợ như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bình Thới (quận 11), giá cải ngọt đã giảm về mức 30.000 đồng/kg, xà lách 30.000-32.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg, dưa leo 30.000-35.000 đồng/kg, rau muống 28.000-30.000 đồng/kg… Riêng giá hành, ngò vẫn còn khá cao bởi nguồn cung ít, thời gian vận chuyển kéo dài khiến tỉ lệ hao hụt cao. Chị Lê Thị Nga, bán rau củ, trái cây tại chợ Bình Thới, cho hay mình quay lại chợ bán hàng từ ngày 19-7 sau một thời gian đóng cửa vì dịch.
"Mấy ngày nay hàng ít nhưng bán rất chậm so với lúc bình thường, khách đi chợ cũng mua ít hơn. Đang lúc khó khăn chung nên tôi xác định thà lãi ít chứ không nhân cơ hội làm giá vì như vậy là thất đức, sẽ không bền" - chị Nga chia sẻ.
Việc tổ chức nhiều điểm bán giúp thị trường hàng thiết yếu ở TP HCM những ngày qua đã bớt căng thẳng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo các doanh nghiệp (DN), phản ứng thị trường cho thấy đa số người tiêu dùng đã tích lũy đủ hoặc dư thừa thực phẩm nên tạm thời không có nhu cầu mua thêm. Bên cạnh đó, hàng trăm điểm bán hàng thực phẩm bình ổn xuất hiện khắp nơi, hàng hóa dồi dào hơn, nhiều điểm bán đồng giá 100.000 đồng cho mỗi bịch 4-5 kg rau củ quả hoặc bán theo giá tham chiếu của siêu thị Co.opmart (theo hướng dẫn của Sở Công Thương TP - PV), các cửa hàng tạp hóa cũng bày bán rau củ quả cộng với thông tin TP HCM sẽ mở lại hệ thống chợ truyền thống khiến tâm lý người dân được cải thiện, không còn lo thiếu thực phẩm.
"Người tiêu dùng đã bình tĩnh hơn, không còn tâm lý "phải mua cho bằng được" thực phẩm mà cân nhắc, chọn mua tại những nơi có giá thấp hơn. Ngoài ra, việc lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra một số điểm kinh doanh, xử phạt hành vi bán giá cao cũng đã phát huy tác dụng răn đe, giúp hạ giá" - giám đốc một DN phân phối tại TP HCM phân tích.
Các DN nhận định những ngày tới giá cả hàng hóa vẫn còn có thể giảm thêm. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay hồi tuần trước, trứng gà "leo" lên mức 40.000 đồng/chục, trứng vịt trên 50.000 đồng/chục, hiện nhiều nơi đã giảm giá còn 30.000-35.000 đồng/chục trứng gà và 40.000-45.000 đồng/chục trứng vịt.
Khi thị trường trở lại bình thường, siêu thị bán trứng gà, vịt với giá bình ổn (26.000 đồng/chục trứng gà, 31.000 đồng/chục trứng vịt) thì bên ngoài cũng phải giảm giá về mức tương đương hoặc cao hơn chỉ 3.000-4.000 đồng/chục vì nếu chênh lệch quá lớn sẽ không bán được hàng.
Cần tiếp tục tháo gỡ thêm
TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, chỉ ra việc thiếu hàng cục bộ đẩy giá cả nhiều loại thực phẩm tươi sống tại TP HCM tăng cao trong thời gian qua là do ách tắc trong khâu vận chuyển, lưu thông chứ không phải do thiếu nguồn cung thực phẩm. "Chính quyền thành phố thấy thực tế đó nên đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ.
Trong lúc này, rất cần những DN phân phối lớn của thành phố đồng lòng, áp dụng mức giá tương đương nhau cho các mặt hàng thực phẩm để làm đối trọng và dẫn dắt giá ở thị trường bên ngoài. Cùng với đó là nhanh chóng nối lại hoạt động an toàn cho kênh phân phối truyền thống song song với giải pháp căn cơ là phối hợp đồng bộ với các tỉnh, thành để tháo gỡ tình trạng "ngăn sông cấm chợ", khai thông những ách tắc cho cả người trồng lẫn khâu phân phối, tiêu thụ hàng hóa" - TS Điền nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông thừa nhận tình trạng một số loại thực phẩm tại thị trường TP HCM đã tăng giá trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây là điều không tránh khỏi, kể cả đối với những DN, đơn vị tuyên bố bán hàng bình ổn, xuất phát từ một số lý do như giá tăng từ phía cung cấp hàng, chi phí vận tải tăng cao, hao hụt gia tăng vì thời gian vận chuyển quá lâu. Ngoài ra, chi phí kiểm dịch tài xế, chi phí xét nghiệm… cũng là gánh nặng. Đặc biệt, nhu cầu của TP HCM tăng đột biến do yếu tố tâm lý, người dân đổ xô đi mua quá đông cũng là cơ hội cho giá thực phẩm tăng.
Theo ông Đông, để giúp giảm giá thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh, cần bám vào những nguyên nhân bên trên để tháo gỡ dần dần. Chẳng hạn, để thương lái, nhà cung cấp không tăng giá sản phẩm thì phải tăng được nguồn cung; điều này cần sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phát triển sản xuất, tăng sản lượng.
Về khâu lưu thông, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và triển khai quyết liệt, trong đó có việc bỏ quy định xét nghiệm, tạo thuận lợi cho tài xế chở hàng nhanh chóng hơn, từ đó giúp chi phí vận chuyển giảm, phần hao hụt hàng hóa tươi sống cũng bớt đi.
"Một điều nữa rất cần lưu ý vào lúc này là khi cơ quan nhà nước yêu cầu DN phân phối bình ổn giá, tăng dự trữ, họ không thể không làm. Nhưng câu hỏi đặt ra là phía nhà nước đã hỗ trợ lại gì cho DN? Ví dụ hỗ trợ về lãi suất, chi phí điện, nước, giãn, giảm thuế…? Có vậy DN mới đủ sức và có tinh thần để làm nhiệm vụ cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định cho người dân" - ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Tôn trọng nguyên tắc thị trường
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nói rõ việc hỗ trợ TP HCM và phía Nam cung ứng, phân phối hàng hóa sẽ tôn trọng nguyên tắc thị trường, đồng thời huy động lực lượng có khả năng tốt nhất để tham gia hỗ trợ nhà nước, địa phương cung ứng. Ví dụ, khi lựa chọn và vận động Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tham gia đưa hàng bình ổn giá vào hỗ trợ TP HCM, các cơ quan quản lý đã tính đến việc đơn vị trực thuộc quân đội có kỹ năng tốt, đội ngũ nhân viên được xét nghiệm và đáp ứng đầy đủ được yêu cầu về "luồng xanh". Từ đó mới có thể đưa hàng vào nhanh chóng.
"Tất cả các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16 nếu có thể cung ứng tại chỗ, cung ứng nội vùng là tốt nhất, bởi như vậy mới tránh được gánh nặng về chi phí logistics. Để làm được thì đội ngũ thừa hành không thể cứng nhắc "ngăn sông cấm chợ". Chúng tôi cũng đã tính đến những phương án dự trù cao hơn nếu địa phương không bảo đảm được cung ứng tại chỗ" - ông Đông khẳng định.
Bình luận (0)