Ngày 31-1, tại lễ vinh danh 200 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2017 do Cục Hải quan TP HCM tổ chức, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP HCM, nhìn nhận thời gian tới, với nhiều chính sách thay đổi như siết nhập khẩu ô tô, các chính sách thuế liên quan đến sắt thép…, nguồn thu thuế của ngành Hải quan TP trong năm 2018 sẽ rất khó khăn.
Cạnh tranh không lành mạnh
Năm 2017 có 46.013 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn TP HCM, trong đó 200 DN được vinh danh, chiếm 0,43% tổng số DN nhưng đã đóng góp 48.500 tỉ đồng, chiếm 45% tổng thu ngân sách của Cục Hải quan TP trong năm.
Ông Đinh Ngọc Thắng cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu qua cảng của TP HCM. Trong khi những năm trước đây là thời điểm nóng sốt nhập khẩu và kinh doanh ô tô. Điều này cho thấy Nghị định 116 đã kìm hãm việc nhập khẩu ô tô của các DN, đó là một trong những lý do khiến nguồn thu ngân sách của hải quan năm 2018 dự báo là sẽ sụt giảm.
Đại diện Cục Hải quan TP HCM trao bằng khen cho các doanh nghiệp
Ngoài ra, theo dự báo của Cục Hải quan TP, thời gian tới, với chính sách áp thuế chống bán phá giá của thép, các hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ làm cho nguồn thu của hải quan sụt giảm mạnh, dự kiến thấp hơn năm 2017.
Hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu
Đại diện một DN được vinh danh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), cho biết DN của ông đã đóng góp cho ngân sách ngày càng tăng, năm 2014 đóng 1.400 tỉ đồng, sang năm 2015 là 1.600 tỉ đồng và 2017 lên 1.900 tỉ đồng. Ông đánh giá ngành hải quan đã có sự thay đổi vượt bậc, cải cách nhanh và đổi mới nhiều về thủ tục. "Nếu được giúp đỡ trong hoạt động, 200 DN được vinh danh hôm nay đóng góp mỗi DN 1.000 tỉ đồng thì TP HCM sẽ có 2.000 tỉ đồng trong năm 2018 cho ngân sách" - ông Johnathan đề nghị.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, DN làm ăn chân chính hiện rất khó cạnh tranh với DN nhập lậu hàng hóa, như doanh thu tập đoàn của ông giảm 50% do hàng xách tay. Như vậy, chỉ riêng DN này, nhà nước đã thất thu gần 900 tỉ đồng.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn thuật lại: Một số cửa hàng bán đồng hồ cao cấp, giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn USD/chiếc nhưng khi khách hàng muốn mua, họ hướng dẫn đến cửa hàng của ông chọn mẫu rồi trở lại đặt cọc và được giao hàng xách tay tận nhà với giá rẻ hơn. Tất nhiên, những thương vụ này, nhà nước không thu được thuế.
"Những DN làm ăn chân chính cần được bảo vệ. Khi có lợi, chúng tôi sẽ mở rộng kinh doanh, gia tăng đóng thuế cho nhà nước" - ông Hạnh Nguyễn bộc bạch.
Ông Đinh Ngọc Thắng khẳng định Cục Hải quan TP sẽ mạnh tay hơn trong xử lý hàng lậu, gian lận thương mại, trong đó có hàng núp bóng xách tay nhằm tạo thuận lợi cho DN, bảo vệ nguồn thu cho ngân sách. Cục Hải quan TP cam kết giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu; phối hợp các hiệp hội để tuyên truyền phổ biến kịp thời văn bản pháp luật, quy định mới đến DN.
Bình luận (0)