ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Hàng trăm tỉ USD xuất khẩu, hàng trăm tỉ USD đầu tư nước ngoài trong 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực Việt Nam?- Ảnh: Nguyễn Nam
"Tôi tán thành việc sửa Luật Cạnh tranh và rất mừng chúng ta mới cho ý kiến ở kỳ họp này, và tháng 6-2018 mới xem xét thông qua, tức là còn thời gian để hoàn thiện hơn nữa"- đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) mở đầu phát biểu của mình trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) diễn ra sáng nay 15-11.
Vị đại biểu TP HCM cho rằng nhiều cử tri, nhất là các doanh nghiệp phản ánh nhiều điều bất hợp lý, bất công và đề nghị quốc hội, chính phủ quan tâm giải quyết.
Cá lớn nuốt cá bé
Đó là tình trạng hàng hoá Việt Nam đang vất vả để giữ thị phần ở các thị trường nước ngoài, đồng thời phải đấu tranh gian khổ để tồn tại trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn, các nhà cung ứng ngước ngoài.
Một vấn đề được ông Nghĩa đặt ra: "Chúng ta hội nhập, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì? câu trả lời phải là: tăng cường nội lực Việt Nam, củng cố tăng cường chủ quyền Việt Nam để chúng ta đuổi kịp thế giới bên ngoài; giữ vững, thậm chí mạnh hơn bên trong cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng"
Để tăng cường nội lực chủ quyền quốc gia trước hết là về kinh tế, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài. Đây không chỉ là mục đích của các nước chậm và đang phát triển khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, mà còn là của các nền kinh tế phát triển ở mỗi châu lục- dù là được che dấu dưới các cụm từ, các quan điểm nhưng đều nhằm mục đích bảo hộ.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, các nhà đàm phán Việt Nam đều quá rõ vấn đề này, bên dưới các "luật chơi" công khai nằm ở các hiệp định, thì các cuộc chơi thực chất là: "cá lớn nuốt cá bé". Luật chơi này thậm chí còn được công khai bằng các chính sách, luật pháp ở các nền kinh tế mạnh nhất, giàu nhất hành tinh thông qua các khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và "Giấc mơ Trung Hoa".
"Chúng ta không kỳ thị với doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng vấn đề là hàng trăm tỉ USD xuất khẩu, hàng trăm tỉ USD đầu tư FDI hoặc hàng trăm tỉ USD đầu tư gián tiếp trong 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực Việt Nam?"- ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.
Tiếp tục bài phát biểu của mình, vị đại biểu là luật sư, nhấn mạnh: nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta đã mất rất nhiều tài nguyên, mất rất nhiều lao động giá rẻ, mất nhiều ưu đãi về thuế, đất đai cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng kết quả đem lại không tương xứng. Các ví dụ từ các ngành cơ chế chế tạo, khoáng sản, thực phẩm chế biến, may mặc, da dày, nông nghiệp, cả bán buôn, bán lẻ, và các lĩnh vực văn hoá, y tế. giáo dục, đã cho thấy điều này.
"Nhiều quốc gia xuất phát từ cột mốc GDP bình quân đầu người từ cột mốc 100, 200 USD như chúng ta, giờ họ đã lên 5000, 10.000 USD. Đặc biệt họ đã có những ngành công nghiệp tỉ lệ nội địa hoá rất cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có những thương hiệu vững chắc trong các chuỗi siêu thị ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản"- ĐB Nghĩa bày tỏ.
ông Nghĩa cũng cho biết chúng ta đã báo động tỉ lệ nội địa hoá trong ngành ô tô, điện tử, nhưng sau hàng chục năm không nhích lên như cam kết. Chúng ta đã mất nhiều thị phần trong nước trong lĩnh vực thức ăn gia súc, thuốc thú y; nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, vẫn tải, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá và nổi lên là lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn đang báo động khi đang từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước.
Doanh nhân Việt Nam rơi nước mắt ngay trên chính quê hương
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng các cơ quan quản lý hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán, sáp nhập ở tầng trên và ở bên ngoài Việt Nam; trốn thuế bằng công nghệ cao hoặc điều chuyển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn.
Các doanh nghiệp trong nước thì bị hạch sách, nhũng nhiễu, trong nhiều trường hợp nếu không có phong bì không qua được các "cửa ải hành chính". Trong khi chúng ta hầu như bất lực trước các vụ thắng thầu chỉ nhờ kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao, nhưng chỉ vài năm sau thì đội vốn, thậm chí dãn tiến độ, gian dối về chất lượng, công nghệ . Những dự án như vậy có vốn đầu tư cả trăm, ngàn tỉ đồng.
Nhiều doanh nhân Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất "chủ quyền" ngay trên chính quê hương mình, ngay cả khi được nước ngoài chào mua lại với cái giá "ăn ba đời cũng không hết".
"Thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng ca sĩ, diễn viên ngoại, để tóc và ăn mặc theo mốt ngoại; ăn uống theo cung cách ngoại, trong khi đó không biết cả những kiến thức cơ bản về văn hoá và lịch sử Việt Nam"
"Khởi đầu từ kinh tế, tiếp đến là văn hoá, y tế, giáo dục, chủ quyền của chúng ta bị xâm hại từng bước và ngày càng nghiêm trọng ngay trên chính nước mình"- ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng những vấn đề nêu trên không chỉ giải quyết bằng Luật Cạnh tranh mà phải bằng nhiều chính sách và luật pháp và biện pháp phòng ngừa khác.
Nhưng với hiểu biết và kinh nghiệm công tác của mình, ông Nghĩa cho rằng Luật Cạnh tranh phải có đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường nội lực Việt Nam. "Nếu không, những cái bấm nút của đại biểu Quốc hội sẽ không tròn trách nhiệm phải có của nó"- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng không phủ nhận những thành tựu, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong thời gian qua. Và ông cũng khẳng định những điều ông nêu ra là nhiệm vụ hết sức khó khăn và "không thể giải quyết trong 1 hay 2 năm".
Cần có giải pháp đột phá trước khi không thể cứu vãn
Bình luận (0)