Sáng 6-5, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP HCM (Ban Chỉ đạo cuộc vận động) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2021 và triển khai chương trình hành động năm 2022.
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động năm 2021. Ảnh: QUỐC THẮNG
Khẳng định vị thế hàng Việt
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động, năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đã gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Giữa bối cảnh đó, TP HCM đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp bao gồm: phát triển hệ thống phân phối; chương trình kết nối ngân hàng - DN; chương trình bình ổn thị trường năm 2021 - 2022; hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử.
Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động, cho rằng đợt dịch vừa qua dù ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng là dịp để các DN phát huy sáng tạo, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị. Nhờ đó, sản phẩm, dịch vụ trong nước vẫn khẳng định được vị thế trong lòng người tiêu dùng, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, tạo động lực cho thị trường nội địa và sẽ tiếp tục vươn xa. Đặc biệt, thông qua các hoạt động giao lưu kết nối, xúc tiến thương mại, kết nối ngân hàng - DN đã thúc đẩy các DN thành phố nâng cao hơn sức cạnh tranh của sản phẩm, hướng đến tiêu chí "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam".
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết với vai trò là đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển hàng Việt, Saigon Co.op đã triển khai nhiều giải pháp chuyên môn hóa hoạt động bán lẻ. Nhờ đó, tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã đạt trên 90% và được duy trì trong suốt nhiều năm qua.
Saigon Co.op đã đa dạng hóa các mô hình bán lẻ, đưa hàng Việt phát triển theo nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, tiếp cận sâu về các địa phương, các vùng nông thôn. Hiện tại, mạng lưới của Saigon Co.op đã đạt gần 1.000 điểm bán, trải dài khắp 44 tỉnh, thành trên cả nước.
Trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh, Saigon Co.op vẫn đưa vào hoạt động thêm gần 40 điểm bán; áp dụng số hóa và công nghệ 4.0 để phân phối hàng Việt, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua app (ứng dụng điện thoại), website cooponline.vn và các app của các đơn vị vận tải công nghệ, ví điện tử như: Momo, Zalopay, Grab, Now, Shopee, Baemin...
"Trên cơ sở nắm bắt và hiểu biết nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, Saigon Co.op khuyến khích hàng Việt đi theo xu hướng thị trường và hiện đại; tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác trong phát triển hàng Việt" - ông Sơn nói.
Một điển hình DN vượt khó, giữ vững và phục hồi thị trường, được người tiêu dùng Việt tin dùng là Công ty TNHH SX & TM Tân Quang Minh (Bidrico). Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc công ty, cho biết tập thể Bidrico đang quyết tâm lấy lại những gì đã mất. Muốn làm được như vậy, công ty phải có cơ chế chăm lo, động viên người lao động. Đặc biệt là nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu mà vẫn giữ được chất lượng không thua kém với nguyên liệu nhập khẩu.
"Chúng tôi đã sử dụng các loại nước cốt chanh dây, xoài, vải được chế biến ở Việt Nam thay cho nguyên liệu nhập khẩu; đồng thời tăng cường sản xuất các loại đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên như: nước chanh muối, yến sào nha đam, nha đam đường phèn, nước tăng lực nha đam, nước tăng lực thạch dừa..." - ông Hiến thông tin.
Các doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm bên lề hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG AN
Đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động, cuộc vận động đã có tác động kép với xã hội khi tỉ lệ người tiêu dùng quan tâm và chọn lựa hàng Việt Nam ngày một tăng; tỉ lệ hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trên hệ thống phân phối cũng gia tăng đáng kể, tạo động lực quan trọng để DN mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, tăng giá trị cạnh tranh cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm Việt Nam có thêm nhiều cơ hội vươn ra thị trường quốc tế thông qua nhiều chương trình xúc tiến, hỗ trợ DN.
Điển hình là Saigon Co.op vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu các loại nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam trong năm 2021 với doanh thu gần 70 tỉ đồng. Năm 2022, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tìm kiếm thị trường cho những mặt hàng tiềm năng như: lương thực, trái cây, thủy hải sản. Các thị trường mà Saigon Co.op hướng đến là Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Canada, Mỹ, châu Âu...
Ở thị trường nội địa, Ban Chỉ đạo cuộc vận động ghi nhận người tiêu dùng đã nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng. Người tiêu dùng dần có thói quen chọn hàng Việt Nam thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các ngành hàng công nghiệp tiêu dùng, thời trang, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Kênh phân phối tại chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa có tỉ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%; tại các trung tâm thương mại, hàng Việt cũng chiếm tới 80%. Đặc biệt, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng và phần lớn trong đó đã trở thành những người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn mua sắm truyền thống.
Trước những thành quả đạt được, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động - cho hay trong năm 2022, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục triển khai cuộc vận động lan tỏa ra diện rộng, từng bước đi vào chiều sâu, hình thức cao hơn với kết quả ngày càng ổn định, vững chắc.
Chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện cuộc vận động, cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN củng cố và nâng cao năng lực hoạt động; tăng cường kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất, kinh doanh hàng Việt.
Đồng thời phát động, mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động từ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang "Hàng Việt chinh phục người Việt"; tập trung thực hiện những giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp DN chuẩn hóa quy trình truy xuất nguồn gốc sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống, vốn là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân; giúp ổn định cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, đây cũng là mối quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động, trong năm 2021, các chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM đã phát huy hiệu quả, làm đầu mối tập hợp và phân bổ luồng hàng, điều phối nguồn hàng cho TP HCM và các địa phương lân cận. Đa số các hệ thống phân phối lớn đều tham gia, liên kết với các DN trong chương trình bình ổn thị trường, đồng thời tích cực tham gia, hưởng ứng tốt chương trình hành động của thành phố nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động.
UBND TP HCM đã định hướng, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN năm 2021, thực hiện hỗ trợ 29.471 khách hàng với số tiền 487.212 tỉ đồng. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã cam kết cho vay đối với 46 DN, dư nợ cho vay đạt hơn 2.186 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các DN có vốn sản xuất, đầu tư. Chương trình bình ổn thị trường thành phố tập hợp được nhiều DN quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường. "Các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm; không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; cam kết bảo vệ người tiêu dùng... Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và bảo đảm sức khỏe cho người dân" - báo cáo nêu.
Bình luận (0)